Rất có thể năm 2018 sẽ là năm VN-Index có diễn biến đi ngược xu thế tăng mà chỉ số này đã thiết lập trong 5 năm liền, kể từ năm 2012. Thị trường năm 2018 sẽ tương đồng với năm 2011 – năm khó khăn của kinh tế Việt Nam, khi VN-Index rớt xuống mốc 351 điểm.
Nhìn lại các kịch bản lạc quan…
Lạc quan nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi vào cuối năm 2017, ông từng công khai dự báo rằng, VN-Index năm 2018 có thể lên tới 2.000 điểm trên cơ sở tin tưởng vào triển vọng vĩ mô của nền kinh tế.
Ở mức thận trọng hơn, nhiều công ty chứng khoán cũng đã công khai dự báo VN-Index sẽ đạt 1.200 điểm (MBS), thậm chí 1.300 điểm (Công ty Chứng khoán Maybank KimEng) vào cuối năm 2018.
Nhiều thành viên thị trường đã công khai nhận định thị trường chứng khoán năm nay sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và điều này cũng là có cơ sở nếu nhìn vào bức tranh vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam với GDP giữ được đà tăng trưởng cao trong các quý vừa qua.
Tuy nhiên, vào tuần cuối của tháng 11, chỉ số chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng đi chệch quỹ đạo tăng trưởng. Dao động quanh 910 – 920 điểm hiện nay, VN-Index đang có mức tăng trưởng âm 6 – 7% so với mốc chốt của chỉ số này cuối năm 2017 (984 điểm). Nhiều cổ phiếu lớn đã không tăng, thậm chí không giữ được giá như dự tính ban đầu.
Trong báo cáo thường niên 2017, Công ty Chứng khoán Sài Gòn không đưa ra nhận định cụ thể về đích đến của VN-Index cuối năm 2018, nhưng công bố mức giá kỳ vọng 1 năm của nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn với nhận định chung rằng, năm 2018, hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng như quy mô vốn hóa thị trường sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra không giống như kỳ vọng. Chẳng hạn, SSI dự báo giá mục tiêu của ACB là 42.200 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện tại, thị giá ACB chỉ có 29.000 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu MWG kỳ vọng 162.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện tại chỉ có 84.000 đồng/cổ phiếu (sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 3:1); giá MBB dự báo 29.500 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện tại chỉ còn 20.800 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu PLX dự báo 89.200 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện là 58.000 đồng/cổ phiếu…
Nhìn chung, nhiều cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán… đang ghi nhận mức giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm.
Còn hơn 1 tháng giao dịch nữa TTCK Việt Nam sẽ chốt đích 2018. Trên nền một thị trường đa dạng về hàng hóa và lớn về quy mô, liệu dòng tiền tháng cuối có chọn chảy mạnh vào chứng khoán để đưa thị trường chứng khoán trở lại quỹ đạo tăng trưởng như 5 năm trước?
Tăng trưởng chỉ số vn-index từ năm 2010 đến nay
Nếu Index tăng trưởng âm năm 2018…
Nếu vậy, sẽ không chỉ khiến các nhà đầu tư, khối doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính kém vui, mà còn làm khó cho ngành chứng khoán trong báo cáo tổng kết thị trường năm nay, nhất là khi đặt thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
Giữa tháng 10/2018, khi VN-Index có phiên giảm mạnh 4,85% về 945 điểm, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lý giải, nguyên nhân chủ yếu do nhà đầu tư bị ảnh hưởng cộng dồn từ những biến động của thị trường tài chính quốc tế.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đã hút một lượng tiền không nhỏ từ các thị trường cận biên và mới nổi về Mỹ. Lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu gia tăng khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên trong 5 năm; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả thế giới…
Cùng với đó, xu hướng thắt chặt tiền tệ của một số ngân hàng trung ương các nước vẫn tiếp diễn khiến đồng tiền của các nước mới nổi mất giá mạnh. Thực tế này khiến không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam, mà nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng mất điểm, có thể về đích với tăng trưởng âm năm nay.
Trong cuộc trao đổi với các doanh nghiệp vào trung tuần tháng 11 vừa qua, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, dòng vốn và các thị trường mới nổi đang quay trở lại Mỹ và Nhật khá mạnh. Trong 7 nước ASEAN, dòng vốn nước ngoài rút ra gián tiếp vào khoảng 37 tỷ USD, cùng với đó thị trường chứng khoán Trung Quốc có biến động rất lớn, chỉ số mất giá 21%.
Theo ông Bằng, cuộc khủng hoảng châu Á trước đây cho thấy, nguyên nhân không phải do nền kinh tế các quốc gia suy yếu, mà là do các trung tâm tài chính vào chu kỳ hút hay đẩy vốn. Khi họ hút vốn, dòng vốn dịch chuyển, tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô, ngoại tệ, tỷ giá và sự ổn định của nhiều nền kinh tế.
Trở lại với câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam, với GDP 2018 dự kiến về đích tăng trưởng 6,88%, về lý thuyết, VN-Index không thể suy giảm vì câu chuyện chung của nền kinh tế nội địa. Phải chăng chỉ số chứng khoán trong nước cũng đang bị ảnh hưởng từ việc một số trung tâm tài chính (cá mập) hút vốn thông qua những cuộc bán – mua nghìn tỷ? Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời trong các số báo tới.
Theo Tường Vi/ĐTCK/Thương Gia