Sau 2 phiên hồi phục khá mạnh, thị trường đã điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch 29/12. VN-Index rung lắc mạnh và đóng cửa giảm hơn 6 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn kém lạc quan trong bối cảnh năm 2022 sắp khép lại.
Kết phiên giao dịch ngày 29/12, chỉ số VN-Index giảm trở lại, đánh mất -6,37 điểm, tương đương -0,63% xuống 1009,29 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,5 điểm, tương ứng 0,24% lên 206,54 điểm. UPCOM-Index tăng tốt nhất với 0,45 điểm (+0,64%) lên 70,89 điểm. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về tiêu cực với 427 mã giảm, 217 mã tham chiếu và 361 mã tăng.
Thanh khoản trên thị trường suy yếu với tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, giá trị giao dịch trên sàn HSX và HNX chỉ đạt lần lượt 8.236 tỷ VNĐ và 703 tỷ VNĐ. Khối ngoại tiếp mua vào, với giá trị mua ròng trên HSX đạt 141,64 tỷ VNĐ, trên HNX đạt 6,31 tỷ VNĐ.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), 3 mã tác động tiêu cực nhất đối với VN-Index là BID (-2,41), VPB (-0,60), SAB (-0,58). Ngược lại, chỉ số được hỗ trợ bởi VCB (+0,83), MSN (+0,36) và PNJ (+0,22).
Về diễn biến nhóm ngành, 8 trên 11 nhóm ngành giảm điểm, dẫn đầu là Vật liệu Cơ bản, giảm -1,32% do sự đi xuống của DGC (-1,86%), DCM (-1,89%), HSG (-2,94%). Tiếp theo là nhóm Tài chính giảm -1,07%, do BID (-4,53%), VPB (-1,93%), EIB (-3,23%). Ngành Công nghệ tăng 1,36%, nhờ SGT (+6,64%), CMG (+2,37%), ELC (+1,01%).
Thị trường điều chỉnh nhưng khối ngoại vẫn duy trì đà mua ròng trên sàn HOSE với giá trị khoảng 141,64 tỷ đồng. Theo số liệu từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), các mã được mua ròng mạnh nhất là VND (61,3 tỷ đồng), HPG (45,1 tỷ đồng), STB (32,7 tỷ đồng). Ở chiều bán ròng, NVL bị bán ròng mạnh nhất với 193,4 tỷ đồng.
Dù mức tăng yếu đi, nhưng khá nhiều cổ phiếu trong nhóm xây dựng vẫn giữ được sắc xanh, vốn tăng khá mạnh từ giữa phiên như C4G (+1,1%), G36 (+1,7%), DPG (+1,9%), L14 (+8%), HHV (+3,1%), LCG (+1,7%), VCG (+1,2%)… giúp cho nhóm ngành xây dựng là nhóm ngành nổi bật trong phiên hôm nay.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức chênh lệch âm lên thành -15,3 điểm. Điều này cho thấy là tâm lý của các trader vẫn nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh.
Thị trường đã trở nên rủi ro hơn sau phiêm giảm mạnh đầu tuần nhưng may mắn VN-Index đã có nỗ lực hồi phục để lấy lại mốc hỗ trợ 1.000 điểm. Theo nhận định của SHS, nhà đầu tư ngắn hạn nên cẩn trọng hơn trong giai đoạn vận động hiện tại, rất có thể VN-Index sẽ còn tiếp tục giảm và test các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn, chỉ tiến hành giải ngân khi có những tín hiệu cho thấy VN-Index giữ được và giao dịch ổn định quanh ngưỡng 1.000 điểm.
Đối với nhà đầu tư trung, dài hạn, các chuyên gia SHS cho rằng, giá cổ phiếu ở khu vực hiện tại là tương đối hấp dẫn, tuy nhiên nếu VN-Index vận động trở lại trong kênh Downtrend thì cơ hội mua thấp hơn tiếp tục hiện hữu trong thời gian tới.
Thanh khoản sụt giảm mạnh và gần như mất hút cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thể lạc quan ngay trở lại trong ngắn hạn. Do đó, các chuyên gia của VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư đã bắt đáy thành công tại các phiên trước tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu nhưng hạn chế mua đuổi hay gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu. Đồng thời, nên tận dụng những nhịp tăng tốt của thị trường để hiện thực hóa lợi nhuận đề phòng áp lực bán mạnh bất ngờ quay trở lại tại vùng kháng cự.
Trong khi đó, chuyên gia của BVSC cho rằng, thị trường tiếp tục có diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên kèm thanh khoản thấp. Nhà đầu tư chỉ thực hiện mở vị thế mua cổ phiếu khi Vn-Index lùi về các vùng hỗ trợ 988-1002 điểm và 950-965 điểm. Nếu thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1020-1030 điểm và bị suy yếu trở lại, nhà đầu tư có thể cân nhắc bán trading các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
Nguyễn Luận
Link nguồn