Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng “cô hồn”, tháng Ngâu. Theo quan niệm dân gian, đây là khoảng thời gian mà các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán… sẽ không gặp nhiều thuận lợi, hầu hết mọi người đều kiêng kỵ. Chính vì vậy, nhiều người thường nghĩ tháng Ngâu là tháng “xả hơi” của thị trường chứng khoán.
Thống kê VN-Index trong vòng 12 năm (từ 2007 đến 2019), VN-Index đã tăng trong tháng Ngâu của 8 năm. Cụ thể: năm 2007 tăng 1,3%; năm 2008 tăng cao nhất 24,6%; năm 2009 tăng 11,1%; năm 2011 tăng 0,6%; năm 2014 tăng 5,2%; năm 2016 tăng 6,8%; năm 2017 tăng 5,9%; năm 2018 tăng 0,19% và có 4 năm giảm là năm 2010 giảm 0,2%; năm 2012 giảm 8,0%; năm 2013 giảm 5,7%; năm 2015 giảm 3,8%. Như vậy, số tháng ngâu tăng chiến 2/3 trong vòng 12 năm qua.
Tháng Ngâu năm 2019 này tăng hay giảm?
Xét trong bối cảnh năm 2019, khi VN-Index đang tiệm cận ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm, đặc biệt nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, nên áp lực bán chốt lời được dự báo sẽ có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn. Do đó, khá nhiều ý kiến cho rằng, tháng 8 tới sẽ là một tháng “áp lực” đối với VN-Index, ngay cả khi chỉ số vượt qua ngưỡng này trong tháng 7 (chốt phiên ngày 29/7, VN-Index đạt mức 997,94 điểm). Ông Nguyễn Đức Hoàng, bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, VN-Index đang biến động với biên độ lớn dần, kết hợp với việc điều chỉnh danh mục của các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số VN30 vào ngày 5/8 tới, các nhóm cổ phiếu trong rổ cổ phiếu có khả năng diễn biến khó lường. Tuy vậy, theo chuyên gia này, sự tác động sẽ giới hạn trong một số phiên, chứ không ảnh hưởng quá lớn lên xu hướng chung của thị trường. Trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo, VN-Index sẽ sớm chạm ngưỡng 1.000 điểm trong tháng 8, tức tháng 7 âm lịch.
Với diễn biến tích cực của thị trường chung trong tháng ngâu, nhiều cổ phiếu đã có sự tăng trưởng vượt trội, mang lại lợi suất đáng kể cho nhà đầu tư trong tháng ngâu vốn được coi là khó khăn. Thống kê trong 5 năm trở lại đây, top 10 cổ phiếu thường tăng giá mạnh nhất trong tháng “ngâu” có lợi suất trung bình 9%. Đáng chú ý, hầu hết trong đó là các mã có thanh khoản thấp, ít chịu biến động bởi xu hướng thị trường.
Dẫn đầu danh sách là cổ phiếu VCS của Vicostone với tỉ lệ 23%. Trong những năm gần đây, Vicostone là cái tên được được biết đến với hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong nhiều năm cùng biên lợi nhuận cao; theo đó cổ phiếu VCS cũng liên tục tăng giá phi mã.
Đáng chú ý, trong tháng 7 âm lịch năm 2014, cổ phiếu của Vicostone ghi nhận mức tăng lên tới 68%. Các năm sau đó, cổ phiếu này duy trì mức tăng trưởng cân bằng hơn, lần lượt ở 2%; 25%; 15% và 5%.
Một cái tên cũng gây nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây là D2D của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2. Nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại cũng như làn sóng cho thuê đất phát triển KCN, cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng tăng giá lên gấp nhiều lần.
Trong giai đoạn 2014-2018, cổ phiếu D2D duy trì mức tăng từ 3% – 6% trong tháng 7. Tuy nhiên, mức tăng giá đột biến 29% kéo theo tỉ lệ tăng trung bình của D2D ở mức 9%, nằm trong số ít những cổ phiếu sinh lợi ổn định trong tháng ngâu 5 năm qua.
Nhắc đến tháng “cô hồn”, không thể không nhắc đến Lâm nông sản Thực phẩm Yên Bái (Mã: CAP), một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm giấy đế, vàng mã cho việc thờ cúng. Nhờ hiệu ứng từ tháng “cô hồn”, cổ phiếu CAP thường diễn biến tích cực trong tháng 7 âm lịch với tỉ lệ tăng trung bình 8%, thậm chí năm 2016 mức tăng lên tới 21%.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu cũng ghi nhận mức tăng khá cao trong tháng 7 âm lịch như PTC của Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện (11%), SFN của Dệt lưới Sài Gòn (10%), Viglacera Hạ Long (9%), THG của Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (8%) và HAT của Thương mại Bia Hà Nội (7%).
Trong khi đó, hai mã trong ngành thuỷ sản là ASM của Tập đoàn Sao Mai và ACL của Thuỷ sản Cửu Long An Giang tăng khiêm tốn hơn với cùng tỉ lệ 3%.
Trái ngược với diễn biến của thị trường chung, nhiều doanh nghiệp đã trải qua tháng “cô hồn” thực sự khi giá cổ phiếu giảm trong nhiều năm.
Đứng ở vị trí “đội sổ”, cổ phiếu VE9 của Đầu tư và Xây dựng Vneco 9 có 5 năm liên tiếp giảm giá trong tháng 7 âm với tỉ lệ giảm trung bình 18%. Thậm chí, cổ phiếu này bay mất 56% giá trị trong tháng ngâu năm 2017.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng, cổ phiếu PHC của Phục Hưng Holdings mất giá trung bình 6% trong tháng “cô hồn”, trong đó năm giảm nhiều nhất là 2016 với tỉ lệ giảm 6%. Một thành viên trong “họ FLC” là HAI của Nông dược H.A.I cũng chứng kiến mức giảm trung bình 14% trong tháng 7 âm trong vòng 5 năm qua.
Đáng chú ý, danh sách có sự xuất hiện của hai cổ phiếu bluechips là DHG của Dược Hậu Giang và DPM của Đạm Phú Mỹ. Trong đó, cổ phiếu DHG biến động thất thường do thanh khoản thấp, giảm trung bình 3%; cổ phiếu DPM duy trì mức giảm trung bình quanh 1%.
Như vậy, thống kê cho thấy, thị trường dường như không bị ảnh hưởng bởi tháng “cô hồn” trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá ấn tượng đến từ hoạt động kinh doanh tích cực hoặc những câu chuyện riêng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn được cổ phiếu tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi nhà đầu tư. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chiến lược đầu tư hoặc chọn sai cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn phải gánh chịu những khoản thua lỗ không đáng có.
Theo Anh Khang T/h/Thời báo chứng khoán