Home Chứng khoán VN-Index tiếp tục đà đi lên với mức tăng 3 điểm

VN-Index tiếp tục đà đi lên với mức tăng 3 điểm

0

Thị trường đã hồi phục 8 phiên liên tiếp với biên độ tăng mỗi phiên liên tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, lực cầu đã có dấu hiệu chững lại trước lực cung chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư.

VN-Index mở đầu phiên giao dịch hôm qua (30/3) tăng điểm tích cực lên vùng 1.065 điểm và sau đó chịu áp lực bán điều chỉnh trở lại vùng 1.060 điểm. Chỉ số ghi nhận sắc xanh trong suốt cả phiên, nhưng áp lực chốt lời khi chỉ số tiến vào vùng trên 1.060 vẫn là rất lớn khiến mức tăng bị thu hẹp đáng kể trong phiên chiều.

Kết phiên VN-Index tăng 3,11 điểm (+0,29%) lên 1.059,44 điểm tiệm cận vùng giá đỉnh ngày 15/03/2023 với thanh khoản tăng tốt. Độ rộng cải thiện tích cực trở lại với 190 mã tăng điểm (06 mã tăng trần), 176 mã giảm điểm (02 mã giảm sàn) và 77 mã tham chiếu. HNX-Index tăng 0,36 điểm (0,18%) lên mức 205,95 điểm với 75 mã tăng điểm (05 mã tăng trần), 79 mã giảm điểm (10 mã giảm sàn) và 68 mã giữ giá tham chiếu.

Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 12.069 tỉ đồng, gia tăng vượt mức trung bình khi dòng tiền ngắn hạn có tín hiệu luân chuyển trong thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp trên HOSE với giá trị bán ròng gia tăng khá mạnh 408,08 tỉ đồng. Trong đó bán ròng đột biến đối với cổ phiếu STB và VPB, SSI. Bán ròng HNX với giá trị 8,04 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán đã hồi phục 8 phiên liên tiếp. Ảnh minh họa

Đáng chú ý nhất trong phiên hôm qua vẫn là nhóm bất động sản với các cổ phiếu như VHM, VRE và NVL, trong khi các nhóm ngành khác đều ghi nhận diễn biến tăng giảm đan xen.

Dòng tiền có tín hiệu luân chuyển, gia tăng vào các mã chưa tăng nhiều thể hiện điển hình như trong nhóm chứng khoán, dịch vụ tài chính như VCI (-2,13%), CTS (-1,25%), VND (-0,97%)… BVS (+5,65%), BSI (+3,59%), AGR (+2,42%), MBS (+1,37%)…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá tích cực với thanh khoản đột biến như HDB (+3,31%), STB (+2,56%), MSB (+2,46%), VIB (+0,47%).. ngoài một số mã chịu áp lực điều chỉnh như SHB (-1,85%), TCB (-1,07%), MBB (-0,27%)…

Nhóm bất động sản, bất động sản thương mại phân hóa tích cực như VRE (+2,2%) nhờ thông tin thảo luận bán vốn cổ phần, ITC (+6,99%), VHM (+3,23%), NVL (+1,99%)… ngoài ra nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh như IJC (-1,92%), DIG (-1,90%), NLG (-1,33%)..

Nhóm cổ phiếu bán lẻ phân hóa tiêu cực với nhiều mã tiếp tục chịu áp lực bán mạnh với khối lượng đột biến mạnh như DGW (-7,00%), FRT (-2,53%), PET (-2,42%), MWG (-0,26%)…

Các nhóm ngành khác đa phần phân hóa trong bối cảnh chờ các thông tin về tình hình kết quả kinh doanh quí I/2023 cũng như thị trường chung đang đến thời điểm kết thúc, chốt NAV Quí I/2023.

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2304 kết phiên tăng tốt 8,5 điểm (0,80%), tiếp tục thu hẹp mức chênh lệch xuống -2,75 điểm so với VN30. Các kỳ hạn dài hơn VN30F2305, VN30F2306, VN30F2309 thu hẹp mức chênh lệch xuống còn -5,24 điểm đến – 8,24 điểm cho thấy các trader đang đang có kỳ vọng tốt hơn về khẳ năng đảo chiều tích cực của VN30 trong tương lai.

Trước diễn biến của thị trường, chuyên gia của VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư hạn chế mua thêm những mã đã ghi nhận mức tăng lớn trong những phiên vừa qua, đồng thời chủ động hiện thực hóa lợi nhuận một phần và có thể canh mua lại ở những nhịp thị trường chung rung lắc điều chỉnh giảm trong phiên.

Trong khi đó, các chuyên gia của SHS cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn giai đoạn này vẫn có thể giải ngân đón đầu sóng hồi nhưng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng. Thị trường hiện tại vẫn phù hợp cho mục tiêu giải ngân đầu tư nắm giữ trung – dài hạn (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy), mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Nguyễn Luận

Link nguồn