Điện khí sẽ thành mũi nhọn chính trong 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức tăng cao nhất trong số các nguồn điện chính, chiếm 27% tổng công suất điện cả nước.
Mới đây, VNDirect đã có báo cáo cập nhật triển vọng ngành điện, theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ đạt 6%, thấp hơn 28% so với kịch bản thấp trong Quy hoạch điện VIII do nhu cầu điện công nghiệp suy yếu.
Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng vào một mùa hè nền nhiệt cao sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ nhóm dân cư trong giai đoạn quý III/2023.
Trong 2024-2030, nhóm phân tích cho rằng tiêu thụ điện Việt Nam sẽ duy trì ở mức kịch bản cơ sở với tăng trưởng kép trung bình 8,4% theo Quy hoạch điện VIII.
Mặc dù giá bán lẻ đã chính thức tăng 3% từ tháng 5/2023, VNDirect cho rằng vẫn còn sớm để kỳ vọng vào một sự cải thiện rõ rệt. Với việc tiếp tục đề xuất tăng thêm 3%, nếu giải pháp này được thông qua sẽ hỗ trợ tích cực hơn tình hình tài chính của EVN nhằm cải thiện dòng tiền thanh toán cho các nhà máy.
Về tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, VNDirect không nhìn ra giải pháp khả thi trong ngắn hạn. Trong dài hạn, việc bổ sung công suất mới tại miền Bắc cũng như nâng cấp hệ thống truyền tải là nhiệm vụ cấp bách.
Đối với điện khí, trong giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng sản lượng điện khí cải thiện nhờ thủy điện suy yếu sẽ tạo dư địa huy động cho các nguồn nhiệt điện; Tình trạng dư thừa công suất ở miền Nam sẽ dần được hấp thụ khi hoạt động công nghiệp của Việt Nam hồi phục.
Đối với nhiệt điện than, nhóm phân tích nhận thấy các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc sẽ hưởng lợi sớm nhất do nguồn than ổn định và chi phí vận chuyển rẻ. Thêm vào đó, tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ củng cố triển vọng huy động sản lượng điện than, đặc biệt khi dự kiến khu vực sẽ trải qua giai đoạn nắng nóng hơn.
Ngoài ra, điện khí sẽ thành mũi nhọn chính trong giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện cả nước.
Tương tự như nhiệt điện than, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, nhiệt điện khí cũng phải chuyển sang đốt kèm hydro sau 20 năm. Từ giai đoạn 2030-2050, phát triển điện khí sẽ chậm lại với tốc độ tăng trưởng kép đạt 4% và chiếm tổng 15% tỉ trọng nguồn vào năm 2050.
Trong bối cảnh hoạt động công nghiệp – xây dựng đình trệ, sản lượng điện tiêu thụ ghi nhân mức tăng trưởng khiêm tốn. Sản lượng điện toàn quốc trong 5 tháng đầu 2023 tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức 9% trong dự báo Quy hoạch điện VIII.
Tuy nhiên, tính riêng tháng 5/2023, sản lượng tiêu thụ điện tăng lên mức 8% so với cùng kỳ do nhu cầu đột biến nhóm tiêu dùng dân cư trong bối cảnh mùa hè nóng bức.
Về cổ phiếu khuyến nghị, trong năm 2023, VNDirect kỳ vọng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) – doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí.
Ngoài ra, trong bối cảnh vẫn có bất ổn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của điện năng lượng tái tạo (NLTT), các chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào một cơ chế giá điện chính thức sẽ được ban hành trong năm nay.
Khi mọi nút thắt được giải quyết, mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ hưởng lợi sớm nhất. Do đó, VNDirect nhận thấy CTCP Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) – nhà xây lắp điện và thầu EPC điện gió hàng đầu là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.
Phạm Hồng Nhung