Cuộc khủng hoảng tại chùa Ba Vàng đang đưa đến đòi hỏi về việc lành mạnh hóa đời sống tâm linh, đưa tôn giáo và tín ngưỡng về đúng với các giá trị và vai trò của mình trong đời sống hiện đại, vì sự phát triển bền vững của xã hội.
Cảnh “trục vong” trong chùa Ba Vàng (nguồn ảnh: Lao Động)
Những ngày qua, thông tin về việc chùa Ba Vàng “thỉnh oan gia trái chủ”, “bắt vong” thu tiền của Phật tử đã phủ kín các tờ báo và mạng xã hội. Dư luận chưa kịp lắng dịu sau những ồn ào về thực hành dâng sao giải hạn trái giáo lí nhà Phật lại được một phen bất bình với trò giả thần giả quỷ của chùa Ba Vàng.
Mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn kể từ tối 21/3, khi trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi pháp thoại với Phật tử, người dân và phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook và Youtube. Động thái này của nhà chùa như châm dầu vào lửa, làm tăng thêm sự phản đối của dư luận.
Cho đến hôm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo làm rõ vụ việc, Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc điều tra, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng phê bình, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định hành động của chùa Ba Vàng là vi phạm pháp luật, còn các luật sư đăng đàn cho rằng nhà chùa có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khủng hoảng đã lan rộng và vượt khỏi tầm kiểm soát của chùa Ba Vàng – nơi vị trụ trì vốn là một giảng viên đại học kinh tế và đang đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Kinh doanh nỗi sợ hãi
Bàn luận về tôn giáo, Karl Marx viết: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Nhận định của K.Marx đã chỉ ra vị trí, vai trò và quan trọng hơn là bản chất của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Ở nước ta, Phật giáo có mặt từ rất sớm, từ khoảng 2.000 năm trước. Trong 2.000 năm, Phật giáo đã dần chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.
Đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam là tính “nhập thế” rất rõ: các nhà sư tham gia vào quyền lực thế tục, tôn phù quyền lực thế tục, thậm chí có thời kì trở thành một thế lực chính trị quan trọng.
Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam hòa nhập rất tốt với các tín ngưỡng bản địa, thâu góp các thực hành tôn giáo khác. Do đó, không lạ lùng khi nhiều nhà chùa thực hành dâng sao giải hạn, bắt vong, trừ tà còn các nhà sư thì rất thạo các khoản tử vi, tướng số, phong thủy, ngày giờ…
Rất khó phê phán sự thâu góp các thực hành tôn giáo khác của Phật giáo trong xã hội xưa, bởi sự giới hạn của trình độ dân trí và sự đòi hỏi của nhu cầu tâm linh. Tuy nhiên, điều đáng phê phán là nhà chùa vẫn duy trì các thực hành mê tín trong thời đại văn minh ngày nay, không những thế còn thực hành bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi đối với Phật tử.
Chùa Ba Vàng là một điển hình. Nhà chùa này diễn dịch sai thuyết nhân – quả bằng cách xuyên tạc cái gọi là “tiền kiếp”, nhồi sọ tư tưởng các Phật tử rằng họ phạm lỗi lầm từ kiếp trước và đang phải chịu báo ứng ở kiếp này. Nhà chùa đem mọi nguyên nhân, tội lỗi trút hết cho “vong”.
Điều khôi hài là “vong” không biết nói chuyện nhưng “vong” lại biết… đòi tiền. Cứ mỗi ca “trục vong”, Phật tử lại phải “cúng dường” hàng triệu đến hàng chục triệu đồng. Đem con số này nhân lên với hàng nghìn ca “trục vong” trong các năm qua, số tiền chùa Ba Vàng thu về lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Giáo lí nhà Phật không có thuyết “thỉnh oan gia trái chủ”, do đó có thể nói rằng về bản chất, thực hành “trục vong” của chùa Ba Vàng là một hình thức kinh doanh trá hình và nhà chùa đang kinh doanh dựa trên nỗi sợ hãi của người dân.
Không như nỗi sợ hãi về thực phẩm bẩn (3MCPD trong nước tương, arsen trong nước mắm), nỗi sợ hãi tâm linh là vô hình và ám ảnh. Trong cơn hoảng loạn của lí trí, con người có xu hướng bấu víu vào thần linh. Và đó là lúc nhà chùa thu tiền.
Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, bình luận xác đáng rằng: Đừng cấy vào người dân nỗi sợ hãi để buộc họ phải công quả cho nhà chùa; điều này là phản cảm, là truyền bá mê tín và làm ngu dân.
Không có một biện giải nào thuyết phục được những người tu đạo và dư luận xã hội về cái gọi là “vong báo oán”. Do đó, có thể nói rằng chùa Ba Vàng đang lợi dụng thanh danh nhà Phật, lợi dụng giáo lí, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi.
Phải có giải pháp quản lý chùa chiền
Trong mấy năm trở lại đây, phong trào xây chùa, dựng tượng Phật đang trở nên rầm rộ. Các nơi đua nhau xây những bức tượng Phật cao nhất Đông Nam Á, những ngôi chùa lớn nhất nhì thế giới. Những cảnh tượng này dường như cho thấy đạo Phật ở Việt Nam đang hưng thịnh trở lại sau một nghìn năm bị Nho giáo đè nén.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, việc xây dựng nhiều chùa chiền lại phản ánh một cuộc khủng hoảng về niềm tin đang diễn ra trong xã hội. Khi niềm tin vào pháp quyền giảm sút, niềm tin vào thần quyền sẽ lên ngôi.
Có gì buồn bã hơn việc một dân tộc luôn ra rả nói về cách mạng 4.0, về ước mơ hóa rồng hóa hổ mà người dân quanh năm suốt tháng thắp hương nghi ngút, cúi đầu khấn vái, xin xỏ không sót gốc cây, hòn đá nào. Dân tộc nào tiến lên được văn minh bằng sự mê muội trong nhận thức?
Chính phủ không hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và nhu cầu tín ngưỡng của người dân, nhưng việc xây dựng quá nhiều chùa chiền sẽ trực/gián tiếp tiêu tốn nguồn lực và không gian phát triển của đất nước.
700 năm trước, sử gia Lê Văn Hưu đã phê phán trong Đại Việt sử ký: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể.
“Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng?
“Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua…”
Ngày nay, Chính phủ không bỏ tiền xây chùa. Việc xây dựng, trùng tu chùa chiền là việc của Giáo hội, của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trên góc độ quản trị quốc gia, Chính phủ cần xem xét lại các dự án xây dựng chùa chiền “ngốn” quá nhiều nguồn lực đất đai và có thể làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lí xã hội.
Ở cấp độ vi mô, Chính phủ cũng nên xem xét lại cơ chế quản lý với các nhà chùa nói riêng, cơ sở thờ tự tôn giáo nói chung.
Nhà chùa hiện nay có nguồn thu rất lớn từ tiền công đức, cúng dường nhưng thu – chi thế nào lại là ẩn số; không ai kiểm toán và không bị đánh thuế.
Vì thế, nhà chùa có thể “lách luật” bằng việc chuyển doanh thu cung cấp dịch vụ thành tiền cúng dường. Như trường hợp chùa Ba Vàng, nhà chùa cung cấp dịch vụ “trục vong” và thu tiền (khoản thu lẽ ra bị đánh thuế) nhưng lại yêu cầu Phật tử kí vào cam kết đây là tiền cúng dường tự nguyện (để không bị đánh thuế).
Về bản chất, nhà chùa có các đặc điểm của một pháp nhân: có tài sản riêng, độc lập, tự tham gia các giao dịch… Nếu xem chùa là pháp nhân, Chính phủ có thể cấp mã số thuế cho nhà chùa và tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20% hoặc thuế khoán). Tất nhiên, các điều kiện đi kèm là xác định rõ hoạt động nào của nhà chùa là dịch vụ và có hóa đơn cụ thể.
Dù phải xem xét rất nhiều khía cạnh để hiện thực hóa ý tưởng này song việc quản lý như vậy sẽ đảm bảo hoạt động của nhà chùa minh bạch hơn và chống thất thu thuế cho nhà nước.
Với trường hợp chùa Ba Vàng, dư luận vẫn đang trông ngóng xem các cơ quan chức năng sẽ xử lí như thế nào, nhất là khi sự việc này đã có những dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cho dù tôn giáo và tín ngưỡng là lựa chọn tự nguyện của nhân dân và được pháp luật bảo vệ, việc ngôi chùa này mở rộng quy mô lên gấp nhiều lần và trong nhiều năm thực hành các hoạt động “trục vong” mà không bị cơ quan quản lý sờ gáy cũng đang là những dấu hỏi lớn chờ được giải đáp.
Theo Xuân Hải /VietnamFinance