Nhà đầu tư ngoại chiếm hơn 43,4% vốn điều lệ của VNG, trong đó một đến từ Trung Quốc và 2 cổ đông lớn đặt trụ sở ở “thiên đường” thuế British Virgin Islands.
Trong thông báo thay đổi giấy phép kinh doanh, Công ty Cổ phần VNG lần đầu tiên tiết lộ thông tin về các cổ đông ngoại gồm 4 nhà đầu tư cá nhân và 4 nhà đầu tư tổ chức. 8 cổ đông nước ngoài này nắm giữ 43,42% vốn điều lệ.
Cổ đông ngoại lớn nhất trong danh sách cổ đông của VNG là Tenacious Bulldog Holdings Limited. Công ty này sở hữu gần 23% cổ phần của VNG với trụ sở đặt tại Offshore Incorpotations Centre, British Virgin Islands.
Cùng đặt trụ sở tại địa chỉ này còn một cổ đông khác là Prosperous Prince Enterprises Limited, công ty này sở hữu 5,46% vốn của VNG. Tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm 28,46% vốn điều lệ VNG.
Trong danh sách mới công bố còn có tên một số tổ chức khác như GS Treasure Sarl (sở hữu 3,55%) và Gamevest PTE (sở hữu 8,14%). Trong đó, GS Treasure Sarl – một công ty đầu tư đặt trụ sở tại Luxembourg, là đơn vị thành viên của một quỹ đầu tư liên quan đến Goldman Sach. Gamevest PTE – cổ đông ngoại lớn thứ hai của VNG, có liên quan đến Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC).
Trong 4 cổ đông ngoại là cá nhân của VNG, ba người hiện là lãnh đạo trong VNG. Đứng đầu là ông Shen Hao với sở hữu 1,74%. Theo báo cáo thường niên năm 2017 của VNG, ông Shen Hao, quốc tịch Trung Quốc, hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của VNG. Trước đó, ông từng làm Giám đốc phụ trách M&A của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc).
Người còn lại là bà Julie Thien Nga Lam, vợ của ông Don Lam – Giám đốc điều hành quỹ đầu tư VinaCapital. Cổ đông này sở hữu 1,43% vốn của VNG.
Là doanh nghiệp Việt và tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại chỉ ở mức 43%, tuy nhiên, VNG là một trong số ít đơn vị mà tỷ lệ biểu quyết của khối ngoại vượt xa tỷ lệ sở hữu. Lý do là VNG đã liên tục mua lại cổ phiếu quỹ những năm gần đây khiến số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết thấp hơn rất nhiều lượng cổ phiếu đã phát hành.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, số cổ phiếu quỹ của VNG chiếm hơn 30,6% vốn điều lệ, điều này có nghĩa, số cổ phiếu có quyền biểu quyết chỉ còn gần 70%. Theo tỷ lệ này, sở hữu của khối ngoại chỉ ở mức 43% nhưng nếu tính tỷ lệ biểu quyết trên số cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng lên gần 63%.
Trước khi danh sách cổ đông ngoại được công bố, cách đây nhiều năm từng xuất hiện thông tin cơ cấu sở hữu của VNG có cổ đông Tencent – một trong những tập đoàn đứng đầu Trung Quốc về hệ sinh thái Internet, tương tự mô hình hoạt động hiện nay của VNG.
Báo cáo thường niên năm 2010 của Tencent nhắc đến việc sở hữu một công ty trò chơi trực tuyến tại Đông Nam Á với sở hữu 30,02%. Ảnh: Annual Report 2011 Tencent.
Năm 2008, Tencent cũng từng đề cập mua 20,2% vốn của một công ty Internet tại Việt Nam. Cùng năm đó, Giám đốc M&A của Tencent, ông Shen Hao về đầu quân cho VNG. Trong báo cáo thường niên hai năm 2010 và 2011, tỷ lệ sở hữu của Tencent tại doanh nghiệp này tăng lên hơn 30%, tuy nhiên Tencent chỉ nhắc đến doanh nghiệp này là “một công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Đông Nam Á”.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018 của VNG, Tencent Holdings Limited xuất hiện với thông tin là “bên liên quan” và ghi nhận doanh thu phí tư vấn kỹ thuật từ công ty này.
Theo báo cáo thường niên năm 2017, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG hiện cũng là cổ đông lớn của VNG với sở hữu 15,31%.
Theo Minh Sơn/VietnamFinance