Home Bất động sản Xây dựng nhà ở xã hội, vướng nhất là thủ tục

Xây dựng nhà ở xã hội, vướng nhất là thủ tục

0

 Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, đại diện các doanh nghiệp bất động sản lớn đã thẳng thắn phản ánh những vướng mắc, tồn tại, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm gỡ vướng cho vấn đề này.

Ông Dương Công Minh: Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sức dân mới là nguồn lực lớn, chứ riêng doanh nghiệp thì chưa đủ

Bày tỏ “sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Dương Công Minh, hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp. Nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân. Như ở TPHCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân do người dân xây dựng.

Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam, ông Dương Công Minh đề nghị “Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu”.

Ông Minh đề nghị “Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân. Hiện nay công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến đối tượng này. Chúng ta có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, như vậy mới cấp phép kinh doanh được”.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê.

“Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia”, ông Dương Công Minh nhấn mạnh.

Chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: 5 năm chưa xong thủ tục

Khẳng định, từ nay đến 2030, Tập đoàn Him Lam sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội, ông Dương Công Minh cho biết: Đây là quỹ đất Him Lam đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Ông Minh chia sẻ: “Chúng tôi có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.

Từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

Tóm lại, quan trọng nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập”.

Ông Dương Công Minh cũng cho rằng: Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy.

Xây nhà ở xã hội, vướng nhất là thủ tục - Ảnh 2.
Ông Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội

Bày tỏ vinh dự được tham gia đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group cho rằng, mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.

Do vậy để thúc đấy phát triển nhà ở xã hội, Tập đoàn Sun Group đề xuất một số cơ chế, chính sách sau:

Thứ nhất, về đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.

Do vậy, Tập đoàn Sun Group kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

“Thực tế thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động”, ông Đặng Minh Trường chia sẻ.

Xây nhà ở xã hội, vướng nhất là thủ tục - Ảnh 3.
Ông Vũ Quang Hội: Chúng ta khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan… Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cần sớm chuẩn hóa tiêu chuẩn nhà trọ

Theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, việc giải quyết nhà ở cho xã hội trong giai đoạn vừa qua khá tự phát, đa số là nhà trọ.

Bây giờ nếu chúng ta vẫn dùng nhà trọ nhưng nâng lên thành một chính sách để chính những người dân có điều kiện sẽ chuyển đổi thành nhà hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn.

Nếu chúng ta nghiên cứu thật nhanh trong vòng 1 tuần để ra được chính sách này, những người dân ở các khu công nghiệp được hưởng chính sách đầu tư, thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở.

“Cũng như chính sách về pin mặt trời áp mái, chính sách đưa ra là người dân lập tức thực hiện”, ông Hội dẫn chứng và khẳng định: Nếu chúng ta nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc thì sẽ tốt.

Cũng theo ông Hội, các đối tượng được đưa ra ở hội nghị chỉ ghi là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, sau 25 năm phát triển CNH-HĐH đất nước, ở thời điểm này là nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều.

Chính vì vậy đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê-mua.

Có thể chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện.

Không để doanh nghiệp phải đi gặp quá nhiều cơ quan

Theo ông Vũ Quang Hội, quan trọng nhất là “Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ.

Chúng tôi đến đây cũng muốn cam kết với Chính phủ và các địa phương về việc đóng góp phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời mong muốn có cơ chế để “làm thế nào để chúng tôi đóng góp tốt, làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được, kể cả việc thu hồi vốn, kể cả việc ưu đãi…”

“Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan…

Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, chỉ 1 cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó”, ông Vũ Quang Hội nêu kiến nghị.

Xây nhà ở xã hội, vướng nhất là thủ tục - Ảnh 4.
Ông Phạm Thiếu Hoa: Để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Xây nhà ở xã hội: Doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của chính quyền

Đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho rằng, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông cho biết, “tập đoàn chúng tôi phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội”, đồng thời đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu. Còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề quy hoạch. Hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội,… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đề nghị cấp thẩm quyền cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không tham gia vào việc này.

Thứ ba, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu. Qua thông tin của các sở, ngành thì thời gian thực hiện thủ tục này tối thiểu là 600 ngày hoặc dài hơn. Nên đề nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư…

“Chúng ta có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Dương Thiếu Hoa đề xuất.

Link nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-nha-o-xa-hoi-vuong-nhat-la-thu-tuc-119220802153419175.htm