Chuyên gia kiến nghị DN sau khi khắc phục hậu quả và không có hành vi vi phạm nào khác sẽ được Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
ại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của cử tri, các cấp, các ngành tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức sáng ngày 9/3.
Bồi thường tái định cư cần đảm bảo đời sống cho người dân
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tiêu chí về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng pháp luật và có sự tham gia giám sát trực tiếp của người bị thu hồi đất, cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng tại Điều 62 nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định tiêu chí thu hồi đất trong các trường hợp này.
Trong khi đó, tổng kết thực tế gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy phần lớn khiếu nại, tố cáo về đất đai liên quan trực tiếp đến các trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng.
Ông Tuyến cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa nội dung Điều 62 của Luật Đất đai năm 2013, trong đó quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ các tiêu chí xác định những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng cộng.
Các tiêu chí về thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch, đúng pháp luật và có sự tham gia giám sát trực tiếp của người bị thu hồi đất, cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.
Bên cạnh đó, tiêu chí về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, bao gồm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người bị thu hồi đất; lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Song, việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đảm bảo cho người bị thu hồi đất được hưởng lợi, thụ hưởng từ việc bị thu hồi đất bằng các phương thức hưởng lợi trực tiếp hoặc hưởng lợi gián tiếp từ các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, sinh kế bền vững.
Vị chuyên gia cho rằng, sửa Luật Đất đai cần thực hiện theo hướng việc bồi thường phải đảm bảo người bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, ban soạn thảo luật cần thể hiện rõ khái niệm bố trí chỗ ở tái định cư bằng hoặc tốt hơn cho người dân là như thế nào, tiêu chí để xác định cuộc sống tốt hơn ra làm sao, người dân có thực sự được đảm bảo an sinh xã hội hay không.
Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sau nhiều lần được tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, sửa đổi Dự thảo Luật Đất đai đã có rất nhiều các quy định mới bổ sung về quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai.
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Nga cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung nhằm tháo gỡ những nút thắt pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ nhất, quy định tại Dự thảo so với Luật Đất đai 2013 hiện hành cho thấy, căn cứ giao đất, cho thuê đất có sự thay đổi căn bản.
Trong đó, quy định cụ thể căn cứ đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), đầu thầu dự án có sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc quy định cụ thể các căn cứ khi giao đất, cho thuê đất, giúp thuận lợi hơn trong thực thi chính sách.
Tuy nhiên, cần lưu ý phải có căn cứ chung để xem xét hoạt động giao đất, cho thuê đất bên cạnh những điều kiện bổ sung riêng cho từng truờng hợp cụ thể. Bởi mục đích hướng đến trong cả hai trường hợp trên đó là đảm bảo sự công bằng, thuận lợi trong việc tiếp cận đất của các chủ thể và đảm bảo đất được trao cho đúng chủ thể, được khai thác, sử dụng đúng mục đích.
Thứ hai, về điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, Dự thảo bổ sung quy quy định “Ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Việc bổ sung này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đầu tư thì hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư thông qua 2 hình thức ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.
Do đó, nên bổ sung trường hợp nhà đầu tư mặc dù có hành vi vi phạm nhưng đã chấp hành xong hình thức xử phạt, khắc phục hậu quả và hiện nay không có hành vi vi phạm nào khác sẽ được Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Điều này thực tế có liên quan đối với các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn mà có sử dụng đất trên địa bàn cả nước.
Thứ ba, về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đối với trường hợp quy định tại điểm h “Cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính” theo vị chuyên gia là chưa hợp lý bởi bản chất sử dụng đất của chủ thể trên đều có yếu tố lợi ích, gắn với các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã phải tự chủ tài chính.
Theo đó, bà Nga cho rằng nếu Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất trong trường hợp này sẽ gây thất thu lớn cho Ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hiện nay khi các đơn vị sự nghiệp công lập đang trong tiến trình tự chủ toàn bộ tài chính, hạch toán độc lập toàn bộ các khoản thu, chi của đơn vị.
Nguyễn Thị Hồng Nhung