Đây là một trong những nội dung quan trọng của phiên họp thứ 18 Ủy ban thường vụ Quốc hội, khai mạc sáng 13/12.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phiên họp thứ 18 sẽ được tổ chức từ ngày 13-16/12.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp thứ 18, phiên họp thường kỳ của tháng 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề:
Nhóm nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền theo công việc thường xuyên, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, gồm có 8 nội dung cụ thể:
Cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội;
Xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Cùng với đó xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuối cùng, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).
Nhóm nội dung thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Cho ý kiến quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế;
Cho ý kiến về nhóm vấn đề về tài chính, ngân sách gồm việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và một số nội dung khác cần trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 (nếu có).
Nhấn mạnh nội dung phiên họp có ý nghĩa quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu trách nhiệm. Các cơ quan hữu quan bố trí thời gian họp đầy đủ để bảo đảm chất lượng phiên họp với tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật; tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai.
Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua và dự kiến được thông qua vào cuối năm 2023 theo quy trình 3 kỳ họp.
Hoàng Thị Bích