Khác với nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, mùa xuân ở vùng núi cực Bắc Hà Giang dài hơn bởi thời tiết và phong tục của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Những mùa hoa trên cao nguyên đá
Mùa này ở Cao nguyên đá Hà Giang có thể coi là mùa của các loại hoa. Dọc đường từ Quản Bạ, qua Yên Minh, đến Đồng Văn rồi lên Lũng Cú… hoa miên man nở! Hoa các loại lung linh khắp các đường cua, từ đỉnh núi đến thung lũng. Dưới mặt đất cơ man nào là hoa bạc hà với màu tím phớt, hoa tam giác mạch với màu hồng đỏ, hoa cải cay với màu vàng ruộm…
Lên Lũng Cú vào mùa Xuân, tôi đi theo con đường Quốc lộ 4C, con đường này còn có tên gọi là Đường hạnh phúc. Sở dĩ nó có tên vậy cũng là do căn nguyên của lịch sử hình thành. Đây là con đường lớn nhất trong hệ thống đường sá của Hà Giang và nó đã thể hiện sức mạnh đoàn kết đến cao độ của các dân tộc anh em vùng miền núi phía Bắc cùng với miền xuôi khi hoàn thành con đường ấy.
Trước năm 1959, con đường từ thị xã Hà Giang dẫn lên nơi địa đầu Tổ quốc này dài khoảng 200km, chỉ lọt vừa bước chân người và ngựa. Án ngữ dọc đường là những cổng trời hun hút lỗ châu mai, thoắt ẩn thoắt hiện bóng dáng của những toán người làm nhiệm vụ bảo vệ cho sự cường thịnh cho một số cá nhân. Thỉnh thoảng súng lại nổ, làn khói có mùi hỏa tiễn bung ra là có người ngã xuống.
Đất nước hòa bình, theo tâm niệm và chủ trương “miền núi tiến kịp miền xuôi” của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã quyết tâm mở Quốc lộ 4C – Đường Hạnh phúc. Khởi công vào tháng 9 giá buốt của năm 1959, đúng vào mùa xuân của 6 năm sau, năm 1965 đường hoàn thành.
Khi biết chủ trương của ta, để chia rẽ, để tạo sự bất hợp tác, bọn phản loạn và phiếm loạn ở Cao nguyên đá này đã tung tin: Chỉ khi nào đá mọc trên đầu người, cây ngô ra bắp ở rễ, dê đực biết đẻ… thì mới mở được đường lên Lũng Cú. Thế mà lời hiệu triệu được đưa ra, 16 dân tộc của Chiến khu Việt Bắc gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh đồng bằng như Hà Nam, Nam Định, Hải Dương đã có hàng nghìn những con người, trong đó rất nhiều thanh niên trai trẻ làm đơn đăng ký tham gia.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã có trên 2 vạn con người trong đó có 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công tìm đến với Cao nguyên đá. Với sức lực này, với tinh thần đoàn kết lao động đến quên ngày quên đêm, 6 năm sau tuyến đường này đã thông suốt. Chuyến xe đầu tiên chở muối, dầu, gạo và đưa cán bộ lên thăm đã tới được với huyện đá xa xôi Đồng Văn. Đồng bào rẻo cao đón chuyến hàng đầu tiên đã rơi nước mắt, thêm lòng tin Đảng, tin Bác Hồ và quyết tâm thêm yêu quê hương đất nước hơn nữa.
Đường từ Hà Nội lên đến Lũng Cú, nơi có cột cờ Tổ quốc thân yêu, nơi địa đầu ở Kinh tuyến 105 độ 19 phút Đông, 23 độ 22 phút Bắc của chúng ta giờ đã nhựa hóa cơ bản. Đường đáp ứng cho đủ các loại phương tiện tìm vào. Mùa này tìm lên Lũng Cú người ta thấy xuân mới đã hiển hiện mồn một vì người Mông rất quý Tết và tổ chức Tết khá sớm.
Những cây đào phai đã nở cánh khắp các bờ rào đá, dọc đường vào các thôn bản. Bên sắc hoa đào là những sắc váy áo xông xênh của các thiếu nữ Mông, Lô Lô, Giáy, Dao… Chưa đâu tôi thấy không khí Tết nhộn nhịp như ở chốn địa đầu Tổ quốc này. Không khí ấy, nụ cười bên lửa thắm ấy, rồi tiếng kèn pílè, khèn Mông réo rắt vang lên khắp triền đá, tạo ra một sự gần gụi, như thể họ không phải là người nơi mãi địa đầu, không phải là người xa xôi Tổ quốc lắm!
Mùa xuân bình yên
Từ trung tâm huyện Đồng Văn, theo con đường trải nhựa, dài khoảng 40 km, chưa đầy 30 phút tôi đã có mặt ở Trung tâm xã Lũng Cú. Trung tâm xã đã khang trang lắm rồi, có tới 20 phòng để làm nơi đón tiếp khách trăm miền khi họ tìm lên Lũng Cú. Với diện tích tự nhiên 3.460ha, 669 hộ và khoảng 3.478 nhân khẩu, xã Lũng Cú có 9 thôn với các tên như: Lô Lô Chải, Seo Lủng, Tả Gia Khâu, Cẳng Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mằn Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn, trong đó có 7 xã nằm cạnh biên giới. Làm nên 9 thôn này là nhiều dân tộc, nhiều nhất là người Mông, sau đó là người Lô Lô, người Dao.
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, có một tập tục khác nhau nhưng tinh thần đoàn kết nơi địa đầu Tổ quốc này đã tụ hợp họ là một, như người gia đình, cùng nắm tay nhau xây dựng quê hương. Chính sự đoàn kết, tương thân tương ái này đã làm cho cái nghèo cái khó ở đây bị “đuổi” đi nhanh chóng. Tôi chợt vui khi được biết, đến thời điểm này, cơ bản Lũng Cú đã hầu như đuổi được cái đói. Chỉ còn cái nghèo, thế nhưng cùng với sự chăm chỉ của người dân, cùng sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cái nghèo sẽ nhanh chóng được xóa ở đây trong thời gian tới.
Theo thông lệ, mỗi khi lên miền biên giới, tôi thường tìm đến cột mốc Tổ quốc. Vì tôi thấy không nơi đâu ý thức về sự thiêng liêng của tấc đất Tổ quốc lại được đánh thức như ở nơi này. Người ta nói Lũng Cú là nơi địa đầu Tổ quốc, nhưng ở xã biên giới có 16km đường biên giáp nước bạn Trung Quốc này thì điểm cao nhất phải là thôn Séo Lủng của xã.
Lựa theo con đường bê tông uốn lượn dưới bời bời sắc đào phai, leo 286 bậc đá tôi tìm lên cột cờ Lũng Cú. Trên chiếc cột cờ cao 20m, chân đế có 6 mặt trạm khắc phù điêu mang nét hoa văn của Trống đồng Đông Sơn là lá cờ Tổ quốc rộng 6m, dài 9m với diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong dặm dài Đất Việt phần phật bay trong nắng, gió xuân.
Đồn biên phòng Lũng Cú, rất nhiều chiến sĩ đang đón những mùa xuân xa nhà. Nhưng họ không lấy đó làm buồn vì ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng của mình thì họ còn được những người dân nơi đây coi như người nhà. Trong ngày, có người tìm đến, lúc là cô giáo, lúc là trưởng thôn đến trao đổi công việc, lúc thì là người dân đi chợ ghé qua tạt vào uống ngụm nước, hút điếu thuốc lào, hay đó có thể là các bé em người Mông đi chăn bò tìm vào chơi với các chú bộ đội… Điều kỳ diệu hơn là Internet cũng đã về đến đây. Mọi chuyện trên khắp miền đất nước giờ đây chỉ cần nhắp chuột là người Lũng Cú sẽ biết hết.
Xuôi Tả Gia Khâu, tôi tìm vào các nhà dân khi lá dong, gạo đỗ và các loại thực phẩm đã về nơi góc bếp mỗi nhà, chỉ chờ gói gém và xào nấu là có cái đãi bạn và đón Xuân. Nằm cách xã 6km, Tả Gia Khâu đã biết trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên các hốc đá, nhờ vậy sản lượng lương thực của 80 hộ gia đình người Mông nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
Chuyến xe khách miền biên ải vào dịp Tết chật chội hơn ngày thường bởi phải “cõng thêm” rượu ngô đặc sản, mật ong hoa bạc hà và cả những cành đào to vậm nụ làm quà cho người miền dưới. Tôi cùng với các thầy, cô giáo ở Trường trung học Cơ sở Lũng Cú cũng xuôi về quê ăn tết với gia đình.
Câu chuyện đầu Xuân về niềm tin, sức trẻ của họ đã thắp trong tôi những hy vọng. Họ đang là những người của một thế hệ đi sau tiếp tục nắm tay đoàn kết để xây dựng và giữ vững mảnh đất địa đầu này như tầng lớp cha anh họ đã từng làm! Để cho mùa xuân địa đầu mãi mãi bình yên!
Phương Nguyên