Home Ấn tượng 24H Xuất khẩu gạo có cứu được Vinafood 2 khỏi thua lỗ nghìn...

Xuất khẩu gạo có cứu được Vinafood 2 khỏi thua lỗ nghìn tỷ?

0

Kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng Công ty Lương thực miền Nam – Vinafood 2 (UpCOM: VSF) đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1.485 tỷ đồng trong kỳ kế toán vừa qua.

Trước đó, trong giai đoạn từ 01/01 đến 08/10/2018, mặc dù đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng nhưng Vinafood 2 cũng chỉ lãi ròng 16 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, Vinafood 2 đang có lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.357 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.

Khoản mục gây lỗ lớn nhất là dự phòng toàn bộ 662 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho gạo bị thiếu chờ xử lý (sau khi kiểm kê đột xuất tại Công ty lương thực Trà Vinh – Imex Trà Vinh) vào ngày 22/11/2017. Hiện nay cơ quan cảnh sát điều đang làm rõ vụ việc này.

Được biết vào cuối tháng 03/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công An đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao đề nghị ra cáo trạng truy tố 11 bị can trong vụ tiêu cực gây thất thoát cho Nhà nước số tiền trên 216 tỷ đồng xảy ra tại Imex Trà Vinh.

Vinafood 2 phải trích lập dự phòng phải thu và tài sản thiếu chờ xử lý gần 1.200 tỷ đồng ngay khi chuyển sang công ty cổ phần

Những khoản trích lập dự phòng lớn khác là 155,8 tỷ đồng đối với CTCP Lương thực Hậu Giang – một công ty con đã dừng hoạt động và 140 tỷ đồng đối với Công ty XNK Thương mại Dịch vụ Võ Thị Thu Hà.

Các cựu lãnh đạo của Lương thực Hậu Giang và Công ty Võ Thị Thu Hà đã bị truy tố và xét xử vào đầu năm 2018 do thực hiện các giao dịch khống mua bán gạo, gây thiệt hại cho Công ty Lương thực Hậu Giang 205 tỷ đồng. Do thua lỗ quá lớn và nợ quá nhiều nên vào cuối năm 2013, lãnh đạo Vinafood 2 từng kiến nghị cho phá sản công ty Lương thực Hậu Giang.

Vinafood 2 còn có khoản dự phòng phải thu 77 tỷ đồng đối với công ty Thịnh Phát Kon Tum. Các lãnh đạo của Thịnh Phát Kon Tum cũng đã bị truy tố do câu kết thực hiện giao dịch khống với các cựu lãnh đạo của Lương thực Vĩnh Long – một công ty liên kết của Vinafood 2.

Đối với báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ, mức lỗ lên đến hơn 1.800 tỷ đồng – lớn hơn kết quả hợp nhất do công ty trích lập dự phòng dự phòng gần 400 tỷ đồng cho các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.

Rất nhiều khoản đầu tư đã trích lập dự phòng 100%, tương ứng với việc các công ty này đã âm vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, tính chung trong một tháng qua, giá cổ phiếu VSF vẫn bất động ở mức 11.200 đồng/cổ phiếu khi không tiến hành giao dịch.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã nhận đăng ký vay vốn của một số doanh nghiệp lớn với số tiền xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Cụ thể, đăng ký vay vốn tập trung tại một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Lương thực Miền Nam Vinafood 2; Công ty Thành Tín Sóc Trăng; Công ty Tân Long; Công ty TNHH Tiến Phát Long; Công ty TNHH Phương Thanh; Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ.

Trước đó, hồi đầu năm Vinafood 2 và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông Trung Quốc (FVC) đã ký kết biên bản ghi nhớ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc…

Trong bài toán kinh doanh năm 2019, liệu những hợp đồng như trên có đủ vực dậy một Vinafood đang trong “khủng hoảng lỗ”?

Theo Minh Thuận/Thời báo chứng khoán