Xuất khẩu rau quả của nước ta mang về trên nửa tỷ USD chỉ trong một tháng, đây cũng là mức kỷ lục của mặt hàng này.
Kỷ lục xuất khẩu rau quả được xác lập
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng 137,7% so với tháng 5/2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong 4 tháng là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm, mức giảm lần lượt 20% và 18,4%, đổi lại, xuất khẩu trái sầu riêng tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 190,5 triệu USD. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.
Theo báo Đầu Tư, đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng giá trị xuất khẩu loại quả này. Đáng chú ý, số lượng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng cao sau khi hai nước ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Vietnamnet, chuyên gia ngành hàng rau quả nhận định, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 5 sẽ tăng mạnh hơn so tháng 4/2023 và cùng kỳ năm ngoái. Bởi, miền Tây mới bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng và Tây Nguyên cũng sắp rộ vụ. Sản lượng sầu ước đạt 650.000 tấn trong quý II và III/2023.
Đặc biệt, sầu riêng Việt vừa đón thêm tin vui khi phía Hải quan Trung Quốc duyệt thêm 47 mã số vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu xuất khẩu. Theo đó, nước ta có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
“Các doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng lớn xuất khẩu sầu sang Trung Quốc. Có doanh nghiệp nhận được đơn xuất khẩu 1.500 container cho các đối tác phía Trung Quốc. Trong khi một số doanh nghiệp khác, trung bình một ngày họ có 2-3 container chở sàng xuất sang thị trường này”, vị chuyên gia cho hay.
Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Cùng đó, cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Cục Xuất nhập khẩu cũng thông tin, các sản phẩm chế biến từ rau quả xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu do nhu cầu ăn uống của người dân trên thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng trị giá xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.
Đặc biệt, chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, sản phẩm rau quả chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022, lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD trong năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc rộng mở
Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm nay sau 3 năm phòng chống dịch Covid-19 đang tạo thuận lợi cho nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau quả nhiệt đới của nước ta tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện, đang vào cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây của Việt Nam như mít, sầu riêng, vải thiều…, kéo theo hoạt động xuất khẩu cực sôi động. Sầu riêng chủ yếu được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Với vải thiều cũng đang trong cao điểm thu hoạch, Sở Công thương Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều niên vụ 2023 đạt trên 180.000 tấn, ngoài bán nội địa, tỉnh dự kiến xuất khẩu 99.000 tấn vải thiều, chủ yếu đi Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia; UAE…
Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến ngày 30/5, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã có 1.601 lô hàng, tương đương gần 60.000 tấn sầu riêng được làm thủ tục thông quan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tình trạng ùn ứ xe hàng trái cây chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện từ cuối tháng 5. Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, tính đến 20h ngày 1/6, lượng xe tồn chờ xuất khẩu là 670, chủ yếu ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (482 xe).
Cơ quan chức năng khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới. Mục tiêu là không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về kiểm nghiệm, kiểm dịch, giám sát chất lượng và đăng ký doanh nghiệp theo Lệnh số 248 (lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy khô, đông lạnh cũng cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp).
Dự báo xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam cán mốc 4 tỷ USD
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng đầu năm, mặc dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn bứt phá. Với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trong khi kim ngạch các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, thì Trung Quốc lại là “bệ đỡ” giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm 2023.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6, tháng 7.
Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều Quốc gia ưa chuộng.
Trúc Chi (t/h)