Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam vẫn đi theo xu hướng giảm của năm 2018 do trùng vào thời điểm Tết nguyên đán và tồn kho trên các thị trường vẫn còn. Giá trị XK đạt 373,6 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thời tiết đang thuận lợi nên nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Dẫn đến xu thế nguồn cung cao và giá tôm chưa thể tăng trong những tháng đầu năm 2019.
Tại thị trường Mỹ, bên cạnh sức ép từ Chương trình Giám sát Thủy sản nhập khẩu (NK) Mỹ (SIMP), giá tôm NK Ấn Độ thấp thì thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ vẫn là áp lực cho doanh nghiệp XK và làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Hình minh họa. |
Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, chiếm 65,8%, tôm sú chiếm 24,3% và tôm biển 9,9%.
Hai tháng đầu năm 2019, giá trị XK tôm chân trắng giảm 20% trong khi tôm sú tăng 6% so với cùng kỳ 2018. Trong các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú XK, chỉ có tôm sú sống/tươi/đông lạnh tăng 6%, các sản phẩm còn lại đều giảm trong đó tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh giảm mạnh nhất 21%.
Hai tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam sang 5 thị trường chính đều giảm trong đó giá trị XK sang EU giảm mạnh nhất 27,6%, Nhật Bản giảm 0,9%, XK sang Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc giảm lần lượt 1,6%, 19,2% và 18%. Trong tháng 2/2019, duy nhất XK tôm sang thị trường Nhật Bản tăng 14,7%, XK sang các thị trường còn lại đều giảm.
EU vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,5% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Hai tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 76,6 triệu USD, giảm 27,6%. XK tôm sang EU vẫn theo xu hướng giảm của nửa cuối năm 2018. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường NK lớn nhất trong khối EU. XK sang Đức và Hà Lan 2 tháng đầu năm 2019 giảm lần lượt 16,6% và 47,5% tuy nhiên XK sang Anh tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tháng 2/2019, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong số 7 thị trường NK tôm chính tăng NK tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 14,7%. Hai tháng đầu năm 2019, XK sang thị trường này giảm nhẹ 0,9% đạt 67,7 triệu USD.
XK tôm sang thị trường Nhật Bản đã có những dấu hiệu khả quan đầu năm nay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh XK vào Nhật Bản khi thuế NK tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản được đưa về 0%.
Trung Quốc đứng thứ 3 về NK tôm của Việt Nam. Hai tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 62,3 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 6 trên thế giới, chiếm 3,5% tổng NK tôm của toàn thế giới năm 2017. Nhu cầu NK tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái XK của Trung Quốc vẫn ổn định.
Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp tôm chính cho Trung Quốc, chiếm 5,7%. Xét về giá NK, trên thị trường Trung Quốc, giá NK tôm từ Ấn Độ và Indonesia luôn cạnh tranh nhất. Giá NK trung bình từ Thái Lan cao nhất, giá giá tôm Việt Nam đứng thứ hai. Tôm Việt Nam phải cạnh tranh giá với các nhà cung cấp châu Á trên thị trường Trung Quốc.
Với thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, cần nhiều hơn nữa sự đồng thuận trong toàn chuỗi sản xuất tôm, dự báo XK tôm trong các tháng tới sẽ tăng và mức giảm trong 2 tháng đầu năm nay chỉ là tạm thời.
Theo Nguyễn My/Thời báo chứng khoán