Đây là một trong 10 sự kiện tiêu biểu mà Bộ Công Thương công bố. Như vậy, thành tích trên đã giúp Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới; Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu; Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh TMĐT; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy XK chính ngạch; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các quy định mới của các nước nhập khẩu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để DN thâm nhập các thị trường mới… Với việc thực thi hiệu quả các giải pháp, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.
Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.
Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng hơn 9%
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy phát triển sản xuất và khôi phục nền kinh tế, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu… qua đó, cùng các ngành, địa phương, đáp ứng cơ bản hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân và đảm bảo sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Với việc phát huy hiệu quả rõ rét trong tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp của cả nước phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến năm 2022, chỉ số SXCN tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5 – 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 – 7,3%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022. Công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất với 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với năm 2021.
Để đạt được những kết quả tốt trong khôi phục và phát triển sản xuất, có hai nguyên nhân cơ bản đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế, tranh thủ cơ hội thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa, tập trung đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất.
Chủ trương đảm bảo sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được Bộ Công Thương triển khai nhất quán. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn. Các sáng kiến của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao; duy trì, thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác truyền thống, các nước láng giềng và các đối tác lớn tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam. Công tác phổ biến, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế được cải thiện cơ bản, được thể hiện qua các chỉ số tích cực về hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các FTA.
Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng
Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương; Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh; Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình; Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua TMĐT đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT B2B, B2B2C.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì xuất khẩu bền vững
Từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Bộ đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp. Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.
Với sự đổi mới này, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ được nâng cao hơn trước rõ rệt, đóng góp quan trọng vào kết quả và thành tích ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam năm 2022.
Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước
Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài và đã đem lại những kết quả tích cực, nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol…, giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho nông dân, người lao động. Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần đảm bảo việc làm của gần 150.000 người lao động. Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch của ngành
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nguồn hàng và bình ổn thị trường, hầu hết các địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng trên cả nước, tuy còn nhiều khó khăn sau đại dịch, nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng thêm của người dân, nhất là các dịp lễ, Tết. Hầu hết các địa phương đã triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa để vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước vừa dự trữ đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm. Do đó, thị trường hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân ở mọi miền trên cả nước.
Bên cạnh đó, năm 2022, thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động lớn của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng…) có xu hướng tăng mạnh theo giá hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, với sự theo dõi, điều hành sát sao của Bộ Công Thương và sự phối hợp của các Bộ, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ, công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo phân công và việc chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình Bình ổn thị trường của Bộ Công Thương đã đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng 3% (cách xa mức 4% Quốc hội giao).
Sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại. Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%).
Tuệ Minh