Home Ấn tượng 24H Ý kiến trái chiều về quy định ví điện tử

Ý kiến trái chiều về quy định ví điện tử

0

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 về dịch vụ trung gian thanh toán diễn ra vào sáng 10/5, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – Chuyên gia và đại diện công ty cung cấp ví điện tử đã đưa ra nhiều quan điểm đối với một số nội dung của Dự Thảo.  

Vụ trưởng NHNN cho biết, ông sẽ đề xuất phương án bỏ hạn mức theo ngày và nâng hạn mức giao dịch theo tháng đối với ví điện tử. Thông tư sửa đổi 39 sẽ chỉ đề cập đến ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. Đối với ví nộp tiền không thông qua tài khoản ngân hàng, NHNN sẽ có báo cáo trình Chính phủ và thực hiện thí điểm sau.

Nhiều tranh cãi về quy định ví điện tử. Ảnh minh họa

Theo Dự thảo, hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Đối với ví điện tử tổ chức, hạn mức theo ngày và theo tháng lần lượt là 100 triệu đồng và 500 triệu đồng. Đa phần ý kiến từ chuyên gia và đại diện công ty cung cấp ví điện tử cho rằng quy định về hạn mức giao dịch cần mở rộng hơn.

Nội dung thứ hai gây nhiều tranh cãi là quy định ví điện tử phải xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử (KYC – Know Your Customer).

Nhiều ý kiến đề nghị NHNN cân nhắc lại yêu cầu tổ chức cung cấp ví phải KYC (thẩm định thông tin) lại khách hàng, vì việc này trùng lặp với các bước xác thực của ngân hàng và nhà mạng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính – Ngân hàng, Công ty Ernst&Young Việt Nam cho biết, hiện nay chi phí bình quân ngân hàng để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300.000 đồng, chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lí hồ sơ. Do đó, việc NHNN buộc doanh nghiệp trung gian thanh toán phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Bà đề xuất cần đưa ra giải pháp xây dựng cơ chế kết nối giữa ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp trung gian thanh toán để chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng.

Ông Trần Thanh Nam, CEO Moca đề nghị NHNN làm rõ nội dung về việc đối chiếu thông tin khách hàng với ngân hàng và nhà mạng. Hơn nữa, việc đối chiếu có thể gặp khó khăn khi một số ngân hàng từ chối theo nguyên tắc không tiết lộ thông tin cho bên thứ ba. Vì vậy, việc này cần có sự hợp tác của ngân hàng và nhà mạng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN phản hồi, hiện nay chưa có quy định nào cho phép KYC bắc cầu. Về ý kiến người dùng không cung cấp số điện thoại đăng kí internet banking mà có nhu cầu mở ví, ông cho biết NHNN sẽ xem xét.

Tại dự thảo cũng giữ nguyên quy định của Thông tư trước đây, yêu cầu tất cả các giao dịch nạp, rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng .

Dự thảo lần này cũng quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc đưa ra các hạn chế này nhằm giảm thiểu rủi ro các dịch vụ này bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra cơ chế mới về bù trừ điện tử, theo đánh giá của NHNN sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử giữa các ngân hàng trong tương lai. Tại hội thảo, Vụ trưởng cũng cho biết thêm, NHNN đã trình đề án về tiền điện tử (mobile money) lên Chính phủ, và đang lấy ý kiến các bộ ngành về cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các công ty fintech.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán