Home Kinh tế vĩ mô Gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng...

Gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng qua 

0

Tính chung 4 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. 

Thông tin tổng hợp từ Trung tâm thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức tốt, đạt trên 1,5 triệu lượt trong tháng này. Đáng mừng, tổng lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm nay cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch, cho thấy sự phục hồi và phát triển rất tốt của thị trường du lịch Việt Nam.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (418 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (301 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (235 nghìn lượt).

Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia (181 nghìn lượt), Úc (180 nghìn lượt), Thái Lan (163 nghìn lượt), Ấn Độ (158 nghìn lượt), Campuchia (155 nghìn lượt)

Về động lực tăng trưởng, châu Á là khu vực dẫn đầu với mức tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính: Trung Quốc (+394,9%), Hàn Quốc (+49,6%), Nhật Bản (+47,2%), Đài Loan (Trung Quốc) (+116,3%).

Bên cạnh đó, các thị trường Đông Nam Á tăng trưởng tốt, như Indonesia (+140,1%), Philippines (+51,8%), Malaysia (+21,4%), Campuchia (+14,9%), Singapore (+10,0%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 18,0%. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng (+41,1%); Úc tăng 37,8%.

Các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh (+63,8%) nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ 15/8/2023. Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+35,2%), Pháp (+41,7%), Đức (+36,9%). Bên cạnh đó, Italy (+77,4%), Tây Ban Nha (+48,5%), Nga (+74,0%), Thụy Điển (+37,9%), Thụy Sỹ (+31,8%), Đan Mạch (+40,3%), Bỉ (+36,6%), Na Uy (+39,8%)…

Kinh tế - Gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng qua
Du khách tham quan không gian Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: VGP/Minh Anh

Vietnam+ đưa tin, trong tổng số gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ 13,8% và đường biển là 2,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu của năm 2024 ước đạt 237.300 tỷ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một tin vui với du lịch Việt Nam đó là mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Trang web Guruwalk (tổ chức cộng đồng quốc tế chuyên cung cấp các tour đi bộ với hướng dẫn viên du lịch bản địa tại các thành phố trên thế giới) đã chọn Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và Tp.HCM là 3 điểm đến của nước ta nằm trong danh sách 100 thành phố tuyệt vời nhất để đi bộ du lịch. Danh sách này được tổng hợp dựa trên dữ liệu đặt chỗ và tìm kiếm của 800 thành phố tại 120 quốc gia thực hiện trên trang web của Guruwwalk từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024.

Theo báo Quân đội nhân dân, mới đây, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã tham dự Diễn đàn chính sách địa phương với chuyên đề “Phát triển du lịch xanh và bền vững” do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Tăng trưởng xanh là xu thế chung trên toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các nhiệm vụ chiến lược. Đó là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững. Xu hướng tiêu dùng du lịch “xanh” ngày càng được du khách quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.

Theo nghiên cứu của Trip Advisor: Có 34% du khách được hỏi sẵn sàng chi trả thêm để lưu trú ở các khách sạn thân thiện với môi trường, 50% sẵn sàng chi trả thêm cho công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Qua đó có thể thấy, du lịch “xanh” không chỉ bảo đảm phát triển bền vững mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao, ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết và tất yếu, trong đó du lịch là một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và WWF – Việt Nam tổ chức chương trình “Tập huấn thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã” tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Minh Hoa (t/h)

Link nguồn