Home Bất động sản Quy hoạch đã sai thì rất khó xử, để lại hậu quả...

Quy hoạch đã sai thì rất khó xử, để lại hậu quả khôn lường

0

Thực tế, hiện nay đang làm ngược giữa khái niệm quy hoạch và kế hoạch. Vì vậy, vấn đề sắp tới cần được làm rõ là mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 28/2 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nêu một số quan điểm về quy hoạchh, định giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai.

Theo GS.TS Phan Trung Lý đánh giá, giá trị của Hiến pháp 2013 chưa được thực hiện đầy đủ, sau 10 năm thì đây là thời điểm tốt để sửa đổi Luật Đất đai. Đặc biệt, cần cụ thể hoá quy định về hiến pháp.

Theo ông, tại chương 1, 2 của dự thảo luật còn vướng mắc nhất ở địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu đất đai, tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân. 

Ông cho rằng, vấn đề chính cần làm rõ là chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu có những quyền và trách nhiệm gì, được trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm nào, ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu những quyền nào. Ngoài ra, quyền hạn nào của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định thông qua việc trưng cầu ý dân.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh còn lấn cấn giữa quyền của chủ sở hữu và quyền của chủ sở hữu. Vì vậy, đây là vấn đề quan trọng cần được xử lý để không ảnh hưởng đến những vấn đề về sau.

Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

Tiêu điểm - Quy hoạch đã sai thì rất khó xử, để lại hậu quả khôn lường
GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Phạm Tùng).

Một vấn đề nữa ông cho rằng cần được làm rõ là mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch. Thực tế, hiện nay đang làm ngược giữa khái niệm quy hoạch và kế hoạch. Trong khi đó, quy hoạch phải có tiêu chí, mục tiêu để đi đến kế hoạch. Thế nhưng hiện nay quy hoạch dựa trên việc tổng hợp những kế hoạch hiện có. 

Ông cho rằng, tham nhũng 10.000 đồng, 20.000 đồng thì có thể mất tiền nhưng có thể sửa đổi. Còn quy hoạch đã sai thì rất khó xử, để lại hậu quả khôn lường.

Vấn đề thứ ba cần quan tâm là giá cả và định giá đất, ông chia sẻ đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Cần bám sát Nghị quyết 18 của TW và thị trường về giá cả, độc lập khách quan trong định giá. Bên cạnh đó, cần sử dụng phương pháp định giá phù hợp và phải quy định nguyên tắc định giá rõ ràng.

Giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất, hiện đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất, từ đó không nộp được tiền, không cấp được giấy, không triển khai các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân, dẫn tới mâu thuẫn, vướng mắc giữa cơ quan quản lý với người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần phải có quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác, chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích thì phải thu hồi lại đất và đấu giá.

Do đó, ông Lý cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng, việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Đặc biệt, phải ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Trần Thị Tú Anh

Link nguồn