Để khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, chính phủ Ấn Độ vừa quyết định giảm mạnh thuế với xe điện và các thiết bị sạc.
Cụ thể, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) với các loại xe điện và thiết bị sạc lần lượt giảm từ 12% và 18% xuống còn 5%. Động thái này của chính phủ Ấn Độ nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 30% tổng các loại phương tiện giao thông chở khách trên cả nước. Hiện thị phần xe điện tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới (theo GDP 2018) này chưa chiếm đến 1%, phần lớn do thiếu hạ tầng sạc điện và chi phí pin cao.
Trong tuyên bố giảm thuế ngày 27/7, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sithraman cho biết các chính sách của chính phủ nhằm biến Ấn Độ thành công xưởng sản xuất xe điện, sản xuất cây lưu trữ pin lithium và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm sạc điện bằng năng lượng mặt trời.
Cùng với việc giảm thuế GST, đầu tháng 7/2019, chính phủ Ấn Độ cũng đã giảm thuế nhập khẩu với một số linh kiện xe điện nhằm thúc đẩy doanh số bán xe điện, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.
Ngoài ra, từ đầu năm 2019, chính phủ Ấn Độ huy động cả hai khu vực công – tư cùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các điểm sạc điện và các thiết bị chuyển đổi điện năng trên toàn quốc. Trong đó, Đường sắt Ấn Độ quyết định mở điểm sạc điện tại các bãi đậu xe của nhà ga nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng xe điện.
Với đà tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. 22 trên tổng số 30 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh nằm ở Ấn Độ. Với chiến lược phát triển xe điện, chính phủ của đất nước đông dân thứ 2 thế giới này kỳ vọng sẽ thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng các nhiên liệu tái tạo thân thiện môi trường, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn.
Theo Kim Minh/Kinh tế môi trường/Theo Reuters