Theo Bộ Tài chính, việc huy động nợ công cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới cần đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, an toàn, bền vững ngân sách nhà nước.
Mặc dù trải qua gần 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nợ công của Việt Nam được kiểm soát và cơ cấu lại theo hướng an toàn, tốc độ tăng nợ công giảm dần. Theo Bộ Tài chính, việc huy động nợ công cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới cần đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, an toàn, bền vững ngân sách nhà nước, nợ công trong trung, dài hạn.
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn vừa qua, nợ công của Việt Nam được kiểm soát hiệu quả và giảm sâu từ mức 63,7% GDP năm 2017 xuống mức 55,9% GDP năm 2020 trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại.
Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021 được cải thiện theo hướng tích cực, thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán, bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác. Việc tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại, nợ công tiếp tục xu hướng giảm, được kiềm chế ở mức 43,1% GDP trên cơ sở đánh giá lại.
Ông Võ Hữu Hiển cũng cho biết, cơ cấu dư nợ Chính phủ, tỷ trọng các khoản vay nước ngoài ngày càng giảm, từ 60% dư nợ Chính phủ năm 2010 xuống khoảng 40% năm 2016 và gần 33% tính đến cuối năm 2021, qua đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ Chính phủ. Đối với danh mục nợ trong nước, dư nợ của các khoản trái phiếu Chính phủ chiếm gần 86% và các khoản phát hành kể từ năm 2017 đến nay đều có kỳ hạn dài hơn 5 năm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, sau khi áp dụng đánh giá lại GDP năm từ năm 2020 thì ngưỡng nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép, do đó, về lý thuyết vẫn có thể tăng trần vay đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển. Song theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc tăng vay nợ phải tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các nền kinh tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ có mức nợ công lớn nhưng tiềm lực kinh tế rất mạnh, khả năng hấp thụ vốn rất tốt và sử dụng vốn rất hiệu quả. Các nền kinh tế có năng lực hấp thụ vốn trung bình như Việt Nam cần tính toán kỹ càng việc tăng nợ công.
Theo đại diện Bộ Tài chính, kết quả trên đạt được chủ yếu nhờ việc thực hiện kiên trì, hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và nợ công với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể trong giai đoạn trước khi làn sóng lần thứ tư của đại dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, xu hướng giảm dần bội chi, theo đó giảm gánh nặng nợ công, thực hiện hiệu quả nghiệp vụ quản lý nợ chủ động để tái cơ cấu và giảm rủi ro nợ Chính phủ, siết chặt việc cấp mới các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh là những chính sách chủ động, góp phần đảm bảo bền vững tài khóa, an toàn nợ công và tăng dư địa chính sách tài khoá để ứng phó với rủi ro vĩ mô trong hơn 2 năm qua.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong trường hợp nâng mức bội chi ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 sẽ làm tăng tương ứng dư nợ công, nợ Chính phủ và ảnh hưởng tới các chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội phê duyệt. Theo đó, chỉ tiêu nợ Chính phủ so với GDP tiến sát, có khả năng vượt ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt là 45%.
Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra hay xảy ra các cú sốc vĩ mô đòi hỏi phải tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa, các chỉ tiêu an toàn nợ có khả năng vượt các mức ngưỡng quy định, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bền vững nợ, an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn trước là việc tăng bội chi, nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, mở rộng bảo lãnh Chính phủ để chống suy giảm kinh tế trong giai đoạn 2008-2011 đã khiến cho quy mô nợ công tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân lên đến 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015, tạo ra vòng xoáy đảo nợ và áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.
Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, qua đó từng bước kiềm chế tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc huy động nợ công cho Chương trình trong thời gian tới cần đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách nhà nước, nợ công trong trung, dài hạn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022 – 2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022 là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với mức chi phí, rủi ro phù hợp thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ cần huy động bổ sung để có nguồn lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi đã được Quốc hội phê duyệt từ đầu năm 2022. Cụ thể, trong năm 2022 kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673,5 nghìn tỷ đồng, gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646,8 nghìn tỷ đồng để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc; vay về cho vay lại khoảng 26,7 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Võ Hữu Hiển, trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường và tùy thuộc vào khả năng giải ngân các nguồn vốn vay, Bộ Tài chính sẽ linh hoạt sử dụng các cơ chế, chính sách, các công cụ phù hợp huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước. Nguồn huy động linh hoạt chủ yếu từ các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm và vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách chung.
Thời gian tới, để đảm bảo quản lý nợ công, Bộ Tài chính cho rằng, cần thực hiện huy động tối đa các nguồn lực trong nước khác. Trường hợp nguồn lực trong nước vẫn thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển, trả nợ gốc và cơ cấu lại danh mục nợ, Chính phủ nghiên cứu phát hành trái phiếu quốc tế khi điều kiện thị trường thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức vay trong nước và ngoài nước tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025./.
Thùy Dương/TTXVN
Link nguồn: https://bnews.vn/an-toan-no-cong-doi-pho-voi-rui-ro-vi-mo/244206.html