Home Kinh tế vĩ mô Bài toán giữ chân “đại bàng” nhìn từ việc áp thuế tối...

Bài toán giữ chân “đại bàng” nhìn từ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu

0

Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia và là thời cơ để Việt Nam nâng cấp mô hình thu hút FDI.

Hiện các chính sách ưu đãi thuế tại các quốc gia đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia phát triển, mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế và thực thi thuế chưa đồng bộ, chưa đầy đủ cùng với nhiều ưu thế về vốn và kinh nghiệm, các doanh nghiệp này đã tận dụng các kẽ hở quản lý để trốn thuế thông qua những hành vi gây xói mòn cơ sở tính thuế hoặc chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.

Những hoạt động trên đã gây xói mòn nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các quốc gia, dẫn đến việc nhiều nước trên thế giới đơn phương áp dụng các loại thuế khác nhau, phát sinh bất đồng, tranh chấp giữa các nước.

Cụ thể, hầu hết các nước đang phát triển “lao vào cuộc đua xuống đáy” bằng cách đua nhau giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thực hiện rất nhiều ưu đãi về thuế. Đối tượng hưởng lợi là các tập đoàn đa quốc gia, mặc dù có lợi nhuận cao, nhưng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế.

Khi áp thuế tối thiểu, cuộc đua xuống đáy không còn nữa, dòng vốn FDI không còn chảy vào các nước đang phát triển, mà sẽ tìm hướng đầu tư mới. Chính vì vậy, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.

Tài chính - Ngân hàng - Bài toán giữ chân “đại bàng” nhìn từ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Trước tình hình đó, việc Việt Nam xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam, chính sách này là một nước đi tất yếu, nhằm giúp Việt Nam giành quyền thu thuế chính đáng. Việt Nam có những điểm mạnh trong thu hút đầu tư như vị trí địa lý, môi trường kinh tế, xã hội, chính trị tương đối ổn định và vẫn đang là một nền kinh tế năng động và có tốc độ phát triển tốt. 

Chính vì vậy, việc Chính phủ xác nhận tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu phần nào khẳng định tiếng nói của Việt Nam trong việc hội nhập với xu thế toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam về tính minh bạch trong hệ thống chính sách trong mắt bạn bè quốc tế và diễn đàn các quốc gia.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các công ty đa quốc gia (MNE) thuộc đối tượng áp dụng. 

Trong khi đó, công ty đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc thiếu vắng các MNE lớn cũng như các doanh nghiệp vệ tinh sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên quốc tế.

Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao từ phía các MNE, nếu áp dụng không hiệu quả có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.

Tài chính - Ngân hàng - Bài toán giữ chân “đại bàng” nhìn từ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu (Hình 2).
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI.

Việc chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp FDI lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, là một trong những nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới, nên khi dòng chảy bị nắn bởi thuế tối thiểu, thì chắc chắn sẽ chịu tác động.

Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc hỗ trợ bằng tiền cần hết sức cân nhắc bởi có thể không phù hợp với quy tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà quan trọng hơn là các yếu tố về lực lượng lao động, vị trí địa lý.

Thay vì ưu đãi thuế chưa hợp lý, việc cắt giảm các chi phí như vận chuyển, cấp quyền khai thác mỏ sẽ mang lại giá trị gia tăng tốt hơn nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, việc này có thể coi là bù đắp lại một phần cho doanh nghiệp tại môi trường đầu tư Việt Nam.

Đồng thời, cần chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu. Cùng với tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công: đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, thu hút đầu tư sẽ dịch chuyển từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường pháp luật bảo vệ, thúc đẩy lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt, chính sách hải quan tốt.

Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Link nguồn