Home Ấn tượng 24H Bản tin đầu tư bất động sản ngày 05/04

Bản tin đầu tư bất động sản ngày 05/04

0

Đất nền Thuận An hút khách đầu năm 2019; TP.HCM đang triển khai 130 dự án bất giao thông; Sơ tuyển quốc tế nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 2.200 tỷ tại Quảng Ninh… là một số tin tức đầu tư bất động sản nổi bật ngày 05/04.

Đất nền Thuận An hút khách đầu năm 2019

Đầu năm 2019, thị trường bất động sản khu Đông rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền. Quận 2, Quận 9, Thủ Đức… và các khu vực lân cận như Long Thành, Nhơn Trạch hầu như không có dự án chỉn chu nào mở bán. Đại đa số nhà đầu tư và môi giới lẻ mua bán lại các sản phẩm đất nền từ các dự án phân lô trước đây và giá sang tay cũng đã được đẩy lên khá cao làm tâm lý nhà đầu tư mới cũng e dè.

Một số dự án ở xa như Bàu Bàng, Bình Phước… có dấu hiệu chững lại do quá xa Thành Phố thì các dự án giáp Thành Phố lại được người dân và các nhà đầu tư quan tâm và săn đón nhiều hơn. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, với đầy đủ pháp lý và gần TP.HCM thì Thuận An là điểm nóng đầu tư hợp lý cho các nhà đầu tư ở khu Đông.

Nguyên nhân là do chính sách giãn dân ra các khu đô thị giáp TP.HCM và nhu cầu ở thực từ người dân muốn mua đất để xây nhà an cư. Hơn nữa, thông tin thị xã Thuận An sắp lên thành phố trong năm 2019 và chính quyền địa phương đang di dời các khu công nghiệp về Tân Uyên trả lại quỹ đất làm đô thị hiện đại và giao thông sẽ thông thoáng hơn.

Hiện tại, đất nền ở Thuận An với mức giá đầu tư tương đối mềm: chỉ khoảng từ trên dưới 20 triệu/m2 so với quận 9 (từ 40 triệu/m2) và Thủ Đức (từ 52 triệu/m2), Thuận An hứa hẹn sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn cho khách hàng trong năm 2019 này.

Sẽ triển khai xây dựng hàng loạt cao tốc, đường vành đai nghìn tỷ kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận

Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đoạn Bến Lức – Hiệp Phước trong năm 2019 và đoạn Hiệp Phước – Long Thành trong năm 2021.

TP.HCM lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trong năm 2019

Đối với tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) có sự hỗ trợ của Nhà nước (bằng nguồn ODA và ngân sách trung ương) với tổng vốn đầu tư 10.688 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ GTVT mới đang nghiên cứu tiền khả thi.

Một dự án quy mô khá lớn khác là tuyến đường vành đai 3, đoạn 1 Bộ GTVT đã có kế hoạch đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025; đoạn 2 đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào sử dụng.

Đường vành đai 4 (đoạn Bến Lức – Hiệp Phước), TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT có kế hoạch triển khai đầu tư giai đoạn 2021-2025 và đưa vào sử dụng giai đoạn 2025-2030. Đồng thời có kế hoạch đầu tư các đoạn còn lại trong giai đoạn 2025-2030.

Đối với tuyến quốc lộ 22 (TP.HCM – Tây Ninh), đoạn thuộc địa bàn TP.HCM (dài 31km) đang xem xét đầu tư (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025, kiến nghị Bộ GTVT, tỉnh Tây Ninh phối hợp có kế hoạch đầu tư đối với đoạn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (dài 28km) đảm bảo đồng bộ thông suốt toàn tuyến.

Tuyến quốc lộ 50 mới song song (quốc lộ 50B), đoạn thuộc địa phận TP.HCM đến huyện Cần Giuộc tỉnh Long An (dài 8km), TPHCM đã thống nhất với tỉnh Long An đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2021-2025. TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét kiến nghị của tỉnh Long An về bổ sung quy hoạch và đầu tư đảm bảo đồng bộ, thông suốt toàn tuyến.

Về đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, TP.HCM phối hợp cùng các địa phương, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh hướng tuyến. TP.HCM tiếp tục phối hợp cùng các địa phương thống nhất phương án hợp tác đầu tư, báo cáo Bộ GTVT về công tác đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.

Đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu – Hòa Hưng (dài 9,5km) quy hoạch đi trên cao, khác mức với đường bộ, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do đường ngang giao cắt cùng mức với đường sắt. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm thực hiện đầu tư xây dựng nâng cao đoạn tuyến này.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang tiếp tục thực hiện 130 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng. Xét về quy mô, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (tăng từ 1.192.983 tỷ đồng lên 1.829.385 tỷ đồng), trong khi đó tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trên vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn 2011-2015 (giảm từ 9,2% xuống còn 8,9%).

Kon Tum – sân chơi mới của những ông lớn bất động sản

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng “đánh bắt xa bờ” thay vì “bám trụ” tại các thành phố lớn như trước đây. Các đại gia bất động sản như FLC, Vingroup cũng nhắm đến thị trường ở các tỉnh như Cần Thơ, Phan Thiết, Vũng Tàu và cả ở khu vực Tây Nguyên như Kon Tum để đầu tư.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư này, trong năm 2018, Kon Tum đã thể hiện quyết tâm lớn về đầu tư phát triển địa phương, mạnh dạn đưa ra những định hướng mới trong phát triển kinh tế – xã hội, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… nhằm tạo nên “hấp lực” để thu hút đầu tư, tạo đà cho quá trình hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ.

Ông Phan Thanh Hiền – Phó Giám đốc BIDV Kon Tum cho biết, trong năm 2018, dòng vốn ngân hàng đang chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản. Điều đó được thể hiện bằng việc lãi suất mà các gói tín dụng ngân hàng thương mại tung ra cho thị trường bất động sản tiếp tục giảm, hạn mức vay cao hơn, thời gian kéo dài hơn. Sự mạnh dạn này là do các ngân hàng đang có cái nhìn tích cực về thị trường bất động sản.

Trong năm 2018, đã có nhiều ông lớn nhảy vào sân chơi thị trường bất động sản Kon Tum, đáng kể nhất là hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng là tập đoàn FLC và Vingroup. FLC sẽ triển khai hai dự án nghỉ dưỡng tại Kon Tum với quy mô lớn nhất Tây Nguyên là dự án Khu du lịch – đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân Golf có quy mô 380 ha; dự án Khu đô thị sinh thái – du lịch gắn với công viên phía Bắc Kon Tum có quy mô 330 ha.

Trong khi đó, Vingroup cũng nhập cuộc với việc đầu tư xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại – Shophouse Vincom Kon Tum với mức vốn 250 tỷ đồng và Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum gồm đầy đủ các loại hình phát triển: khu nhà ở, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu thương mại, khu giải trí…với mức vốn lên đến 4.500 tỷ đồng.

Trong quý II năm 2019, thị trường bất động sản Kon Tum sẽ càng sôi động khi có thêm sự nhập cuộc của các công ty bất động sản uy tín như công ty cổ phần Vùng Đất Sáng – Bright Land.

Quảng Ninh: Sơ tuyển quốc tế nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 2.200 tỷ

Từ ngày 10/04 – 10/05/2019, Phòng Tài chính Kế hoạch TP. Hạ Long sẽ phát hành rộng rãi hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long (giai đoạn 2).

Ảnh minh họa

Đây là dự án đầu tư sử dụng đất, với tổng diện tích trên 40 ha, ổng mức đầu tư 2.224 tỷ đồng, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2019 đến 2021. Địa điểm phát hành HSMST là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND TP. Hạ Long.

Trước đó, tháng 11/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn Công ty CP Tập đoàn FLC thực hiện Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long (giai đoạn 1) theo hình thức chỉ định thầu. Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư lên tới 2.730 tỷ đồng.

Dự án khu đô thị hơn 370 tỷ đồng tại Thái Bình: Cuộc cạnh tranh giữa 2 nhà đầu tư?

Theo thông báo của Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, Dự án phát triển nhà ở Khu đô thị Quang Trung, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương (Khu B) đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt kết quả sơ tuyển. Có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Công ty CP Bất động sản (BĐS) Mỹ và Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản HANO VID.

Dự án này có tổng chi phí thực hiện khoảng 363 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng 98.235 m2. Hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) được phát hành từ ngày 14/12/2018 đến ngày 13/1/2019.

Về 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, HANO VID và BĐS Mỹ đều là doanh nghiệp đến từ Hà Nội. HANO VID thành lập năm 2010, có địa chỉ tại 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. HANO VID là chủ đầu tư Chung cư TNR GoldSilk Complex tại Hà Đông. Công ty này khoảng hơn nửa năm trở lại đây liên tục là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển nhiều dự án sử dụng đất lớn.

BĐS Mỹ ngược lại có vẻ là cái tên khá mới tham gia vào các dự án sử dụng đất. Công ty này thành lập năm 2007, có địa chỉ tại số 47, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Đây cũng là địa chỉ của Chung cư TNR GoldSeason. GoldSilk Complex và GoldSeason đều do TNR Holdings Việt Nam vận hành, quản lý.

Lần theo 5 lần công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của BĐS Mỹ từ năm 2015 đến nay trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2015, BĐS Mỹ có tên gọi là Công ty CP BĐS Mùa đông – VID. Trước tháng 10/2015, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – từng là Chủ tịch HĐQT của BĐS Mùa đông – VID.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) – một trong ba cổ đông sáng lập HANO VID.

Như vậy, giữa HANO VID và BĐS Mỹ – 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển Dự án ở góc độ nào đó có hoặc từng có mối liên quan nhất định, bắc cầu qua VID Group – nay là TNG Holdings Việt Nam. Liệu 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án này có tạo ra một cuộc thầu cạnh tranh thực sự hay không, điều đó sẽ còn phải chờ đợi phía trước!

Theo Hữu Dũng/Thời báo chứng khoán