Mặc dù lợi nhuận quý IV/2022 tăng tới 23%, bảo hiểm của BIDV vẫn có 1 năm kinh doanh đi lùi, do lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BIC), doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 722 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 11% lên 997,59 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (gồm chi phí bồi thường, chi phí khác và dự phòng) hiện tăng cao hơn doanh thu là 43% lên 572 tỷ đồng. Do vậy, quý IV/2022, lợi nhuận gộp của công ty đi lùi 36% xuống 150 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12% và BIC có lãi gấp 2 lần từ hoạt động đầu tư tài chính đã mang về công ty lãi ròng tăng tới 23%, lên mốc 138 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của bảo hiểm BIDV đạt 2651,16 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế là 393 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế xuống 20% còn 321,22 tỷ đồng,
Theo kế hoạch ban đầu, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 ở mức 3.310 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 435 tỷ.
Tuy nhiên, căn cứ theo đề nghị của ban lãnh đạo khi tình hình kinh doanh không được tốt, ngày 29/11/2022, HĐQT Bảo hiểm BIDV đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.410 tỷ đồng và 385 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Theo đó, với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt 2% mục tiêu lợi nhuận năm.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 20% còn 314,5 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 12 tháng giảm 20,3% còn 2.682 đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) được thành lập năm 1999, tiền thân là Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE (Úc). BIC hoạt động thông qua ba phân khúc: bảo hiểm tài sản và thương vong, tái bảo hiểm, thẩm định bảo hiểm và đầu tư tài chính.
Tại ngày 31/12/2022, công ty hiện chỉ sở hữu 1 công ty con là Công ty liên doanh bảo hiểm Lào – Việt (VLA) với số cổ phần là 65%.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của BIC tăng 9% so với đầu năm, đạt hơn 6.592 tỷ đồng, chủ yếu là khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn có giá trị hơn 4.146 tỷ đồng, tăng 12%, mục tiền và các khoản tương đương tiền tăng 41% so với đầu kỳ lên gần 29 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của BIC cũng tăng 15% so với đầu năm lên gần 4.004 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ đạt 2.954 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết 2022, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ BIC đạt 3.750 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước, hoàn thành 110% kế hoạch năm.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.579 tỷ đồng, tăng trưởng 32%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BIC kết phiên giao dịch ngày 24/2 tăng 1,5% lên mức 27.000 đồng/cổ phiếu, so với mức đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu đã tăng 22% thị giá.
Phạm Hồng Nhung