Home Kinh tế vĩ mô Bảo vệ quyền lợi cho người lao động là tối thượng

Bảo vệ quyền lợi cho người lao động là tối thượng

0

Hiện nay, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung của toàn xã hội để thực hiện các hành vi sai trái cả về pháp luật lẫn đạo lý đối với người lao động. Nhiều hành vi trái pháp luật chưa được cơ quan chức năng quan tâm xử lý, nhất là tổ chức công đoàn các cấp chưa quan tâm, theo đuổi đến cùng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, thời gian gần đây cùng với những khó khăn chung của xã hội, lạm phát làm giá cả hàng hóa tăng cao, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng đã kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu tăng cao. Điều này đã làm cho cuộc sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các đối tượng là công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp vốn đã rất khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Ở góc độ bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung của toàn xã hội đã thực hiện các hành vi sai trái cả về pháp luật lẫn đạo lý đối với người lao động. Nhiều hành vi trái pháp luật chưa được cơ quan chức năng quan tâm xử lý, nhất là tổ chức công đoàn các cấp chưa quan tâm, theo đuổi đến cùng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.

Đặc biệt là tình trạng các doanh nghiệp tự ý cắt, giảm các chế độ, chính sách liên quan đối với người lao động một cách trái quy định hoặc bất hợp lý như buộc lao động nữ cam kết không mang thai khi làm việc cho doanh nghiệp hoặc buộc phải tăng ca, làm thêm giờ trái quy định… nếu không sẽ bị giảm lương, giảm thưởng. Thậm chí, một số doanh nghiệp viện những cớ không hợp lý hoặc lợi dụng tình hình khó khăn chung của xã hội mà sa thải người lao động một cách tùy tiện, trái pháp luật nhưng không đảm bảo đầy đủ quyền, lợi chính đáng, hợp pháp cho họ. Điều này không những ảnh hưởng tiêu cực, rất nghiêm trọng đối với cuộc sống, quyền lợi của người lao động mà gây ra hệ lụy tiêu cực rất lớn cho xã hội.

Điều đáng nói đến ở đây là nhiều trường hợp khi các doanh nghiệp thực hiện hành vi trái quy định pháp luật, trái đạo lý nhưng các cơ quan chức năng quản lý nhà nước hoặc tổ chức công đoàn có biện pháp thiết thực, hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích, chính đáng cho người lao động. Thông thường hiện nay rất nhiều  trường hợp người lao động bị các doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi thì họ phải tự đứng ra bảo vệ mình hoặc phải cam chịu thiệt thòi, ấm ức một cách rất vô lý, bất công.

Vì vậy, cơ quan chức năng, nhất là tổ chức công đoàn các cấp cần quan tâm đến quyền, lợi ích của người lao động, coi đó là chức trách, nhiệm vụ quan trọng nhất, tối thượng của mình. Theo đó, khi có thông tin hoặc nhận được sự phản ánh của người lao động liên quan đến chế độ, chính sách chưa thỏa đáng, hợp lý, vi phạm pháp luật, quyền lợi của người lao động thì cơ quan chức năng, nhất là tổ chức công đoàn các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt, đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Như vậy mới xứng đáng với vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đó là bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và sự kỳ vọng, gửi gắm, mong mỏi của toàn xã hội đối với tổ chức công đoàn.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Link nguồn: https://lsvn.vn/bao-ve-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-la-toi-thuong1657148839.html