Tỷ lệ nợ xấu thực tế (gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) của BIDV đã giảm xuống mức thấp hơn đáng kể ngưỡng quy định 3%, ngay trước thềm bán vốn cho đối tác ngoại. Lợi nhuận trước thuế cũng ở mức cao, đạt 9.472 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 9,3% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.472 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2017. Thành quả này đến từ tất cả các hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, mảng tín dụng – đầu tư đem về thu nhập lãi thuần 34.955 tỷ đồng, tăng 13%; mảng dịch vụ đem về 3.550 tỷ đồng lãi thuần, tăng 20%; mảng ngoại hối đem về 1.039 tỷ đồng, tăng 56%; mảng mua bán chứng khoán kinh doanh đem về 645 tỷ đồng lãi thuần, tăng 34%; mảng chứng khoán đầu tư đem về 234 tỷ đồng, tăng 29%. Hoạt động khác tiếp tục đem về khoản lãi thuần lớn, đạt 3.822 tỷ đồng, tăng 17%.
Điểm đáng chú ý là tính riêng quý IV/2018, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ ở mức 2.218 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm này không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi bởi lợi nhuận thuần quý IV của BIDV vẫn tăng 11%, mà do ngân hàng này bất ngờ tăng gấp rưỡi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 4.528 tỷ đồng. Tổng cộng cả năm, BIDV trích lập dự phòng tới 18.893 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2017.
Thành quả đã đến. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2018 của BIDV chỉ ở mức 1,69%.
Trong báo cáo lần này, BIDV không thuyết minh rõ về lượng nợ xấu còn lại tại VAMC. Trong kịch bản kém nhất, nghĩa là không có chuyển biến gì về nợ xấu tại VAMC so với thời điểm nửa năm trước, tỷ lệ nợ xấu thực tế (gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) sẽ ở mức khoảng 2,7%, cách đáng kể ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước. Còn trong kịch bản lạc quan, nghĩa là toàn bộ lượng chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn giảm trong nửa cuối năm (khoảng 6.000 tỷ đồng) là xuất phát từ việc giảm nợ xấu tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu thực tế của BIDV hiện chỉ còn 2,1%.
Tựu chung, tỷ lệ nợ xấu thực tế của BIDV hiện trong khoảng từ 2,1% đến 2,7%, cho thấy BIDV đã nhẹ gánh nợ xấu. Đây là bước đệm quan trọng trước thềm ngân hàng này bán vốn cho đối tác Hàn Quốc (Ngân hàng KEB Hana Bank).
Nhẹ gánh nợ xấu cũng giúp lợi nhuận năm 2019 của BIDV có thể bật mạnh, nhờ việc giảm bớt tỷ lệ trích lập dự phòng. Chưa kể nguồn vốn lớn thu về nếu bán vốn thành công cũng giúp BIDV có thêm dư địa để thúc đẩy hơn nữa dư nợ tín dụng nói riêng và tài sản sinh lời nói chung.
Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của BIDV đạt 1.313.037 tỷ đồng, tăng 9,2% so với hồi đầu năm và là mức cao nhất trong giới ngân hàng. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 988.738 tỷ đồng, tăng 14,1%.
Về nguồn vốn, vốn tự có của BIDV đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 54.693 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 989.671 tỷ đồng, tăng 15,1% – mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Theo Minh Tâm/VietnamFinance