Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất 4 hình thức đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trong văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.
Đề xuất của Bộ GTVT cũng phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án.
Về phương án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ GTVT có ý kiến, phương án này không có tính khả thi do theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện đầu tư khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn đã được giao cho Bộ GTVT chưa cân đối được nguồn vốn cho dự án này. Thời gian thực hiện dự án cũng vì thế mà có thể bị kéo dài hơn do phải cân đối nguồn vốn.
Với phương án thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư, Bộ GTVT cho rằng hiện còn có cách nhìn nhận khác nhau về phương án này và đang được tiếp tục làm rõ liên quan đến cơ sở pháp lý, hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, việc giao/cho thuê đất cũng như lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư…
Còn phương án đầu xây dựng theo hình thức PPP, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cho rằng sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia qua đó giúp giảm chi phí đầu tư,. Tuy nhiên, trường hợp có nhà đầu tư mới, quá trình vận hành, khai thác phức tạp hơn. Hơn nữa, nếu làm theo đúng quy trình đấu thầu quốc tế, thời gian để hoàn thành dự án cần khoảng 57 tháng.
Từ những phân tích trên, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), do đây là doanh nghiệp nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu, đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng.
Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư. Việc tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng đã được các cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán hàng năm.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ này là cơ quan trình chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, theo Bộ GTVT, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.430 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Minh Anh/Thuonggiaonline