Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đơn giản hoá các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2022 – 2023
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Nghị quyết số 02 (năm 2022) đã được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương và củng cố thêm niềm tin về triển vọng phục hồi.
“Tuy vậy, bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó đoán định, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng đã khiến nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Sang năm 2023, nhiều tổ chức cũng dự báo kinh tế nước ta thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng thẳng thắn.
Để tiếp tục thực thi Nghị quyết số 02 một cách có hiệu quả và trách nhiệm, ông Đông cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cùng với các hiệp hội doanh nghiệp/hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và các bên liên quan phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn; đồng hành và đồng cảm với doanh nghiệp để vượt qua những thách thức đang đối mặt và có thể sẽ gặp phải trong thời gian tới.
Cụ thể, cùng với đề xuất gửi tới Ngân hàng Nhà nước đơn giản hoá các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 – 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, chú trọng và phối hợp tích cực với Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai (về chủ sử dụng đất) và các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường khác (thông tin liên quan đến công dân); kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai (quốc gia, địa phương) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổ công tác 1242 (Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, được thành lập theo Quyết định 1242/QĐ-TTg ngày 16/07/2021) kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư (nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai và xây dựng); ban hành ngay các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến, nhanh chóng áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc, theo dõi, đánh giá sát sao tình hình và kết quả triển khai Chính phủ điện tử.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh thị trường sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất và do đó cắt giảm lao động.
Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu hoàn thiện chính sách phát triển các nguồn năng lượng sạch hướng tới phát triển bền vững, phân tán rủi ro, giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Đề nghị các địa phương tham khảo các thực tiễn tốt trong triển khai chỉ số DDCI và các sáng kiến cải cách về thu hút đầu tư, kinh doanh để nâng cao hiệu quả của chính quyền trong điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đông cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn.
“Tổ công tác triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục theo dõi, tập hợp các phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, các sáng kiến và kiến nghị từ tất cả các bên liên quan; phân tích, đánh giá và phân loại; từ đó hình thành các đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ”, Thứ trưởng yêu cầu.
Đặc biệt, với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đông đề nghị chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đển chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Các hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp, hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Đông nhấn mạnh.
Đánh giá chung kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra cho năm 2022 cho thấy các mục tiêu về cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch: Ngày 6/9/2022, Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Theo xếp hạng của S&P Global Ratings tháng 5/2022, Việt Nam được nâng bậc xếp hạng lên BB+, triển vọng Ổn định. Theo xếp hạng của Fitch tháng 3/2022, Việt Nam đạt mức xếp hạng BB, triển vọng Tích cực. Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Năm 2022, Việt Nam xếp hạng 48, giảm 4 bậc so với năm 2021. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Về chỉ số Phát triển bền vững (SDG): Năm 2022, Việt Nam duy trì điểm số (72,8 điểm), nhưng giảm 4 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 55) so với năm 2021. Kết quả xuống hạng của Việt Nam một phần là do nhiều dữ liệu chưa được UN cập nhật. Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72). Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Người dân và doanh nghiệp đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường suy giảm, giá cả tăng cao, sức khoẻ của doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, nên sức chống chịu yếu hơn. Thực tế này thể hiện qua con số 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn trong số đó là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, trong đó, áp lực và khó khăn, thách thức những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ ràng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Theo đó, để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu. Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. |
T.M (tổng hợp)