Năm 2018, kinh tế Hà Nội tiếp tục bứt phá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội ước tăng 7,37%, là mức cao nhất trong 3 năm gần đây.
Dây chuyền sản xuất xúc xích mang thương hiệu Hapro. Ảnh: Thu Hương
Tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, có 8 chỉ tiêu kinh tế – xã hội vượt kế hoạch. Kết quả trên là cơ sở để Hà Nội có bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của Hà Nội đặt ra là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ – công nghiệp, trung tâm du lịch chất lượng cao. Trong năm 2018 ngành dịch vụ tăng 7,23%; công nghiệp – xây dựng tăng 8,23%; nông – lâm – thủy sản tăng 3,33%. GRDP bình quân đầu người năm 2018 của TP đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6% (kế hoạch là 7,5 – 8%) vượt khá xa so với tốc độ tăng của nhập khẩu (8,2%).
Theo Trâm Anh/Kinh tế & Đô thị Khách du lịch ước đạt 26,04 triệu lượt, tăng 9,3%. Trong đó khách quốc tế 5,74 triệu lượt, tăng 16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (5,7 triệu lượt vào năm 2020). Thu ngân sách vượt dự toán, cơ cấu chi ngân sách dịch chuyển tích cực theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên.
TP chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được TP đẩy mạnh. Bên cạnh đó, TP đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch đất đai, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Dự kiến hết năm 2018, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh, về đích sớm 2 năm mục tiêu Chương trình trồng 1 triệu cây xanh… Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Hứa hẹn tăng trưởng vượt bậc
Kinh tế tăng trưởng vượt bậc, tốc độ đô thị hóa cũng được đẩy mạnh, không gian đô thị ngày càng rộng mở, Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò động lực tăng trưởng trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và là một đầu tàu kinh tế của cả nước. So với cả nước, Hà Nội đóng góp GRDP tới 16,46%, đóng góp về thu ngân sách tới 19,05%. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số DN trên địa bàn lớn nhất cả nước, là trung tâm hàng hóa bán buôn và bán lẻ lớn thứ hai cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, Hà Nội đi đầu trong triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động của TP như quản lý giao thông, thuế, phát triển du lịch thông minh, vào giáo dục đào tạo, y tế…; đưa ứng dụng CNTT vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh. Ghi nhận từ kết quả đánh giá do Sở KH&ĐT thực hiện, nhiều DN đánh giá mức độ hỗ trợ DN, đào tạo lao động của Hà Nội thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 TP năng động nhất thế giới…
Hòa nhịp với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ của cả nước, những mô hình phát triển đầy trí tuệ trên của Hà Nội được các chuyên gia đánh giá không chỉ là bệ phóng cho những bước đột phá mạnh mẽ của TP trong hội nhập kinh tế quốc tế mà còn tạo đà cho mục tiêu tốc độ tăng trưởng những năm tiếp theo cả về lượng và chất.
Năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ là bước chuyển mạnh mẽ của Thủ đô. Hà Nội chính thức trở thành TP thứ 22 trên thế giới đăng cai tổ chức giải đua ô tô F1 vào năm 2020; Dự án: “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa được xây dựng tại huyện Sóc Sơn, có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa và dự kiến đi vào hoạt động sau năm 2021; Hà Nội được giao chủ trì tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 vào năm 2021; xây dựng khu thể thao phức hợp Hàng Đẫy; Hàng loạt các siêu dự án được triển khai để hiện thực hóa biên bản ghi nhớ qua các kỳ Hội nghị đầu tư Hà Nội sẽ tạo động lực cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch Phòng Thương mại, công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, Hà Nội đã và đang thay đổi rõ nét, mạnh mẽ với bức tranh đô thị hiện đại, kinh tế phát triển nhanh, đóng góp lớn cho cả nước. Sẽ không chỉ dừng ở top 10 TP năng động nhất thế giới. Không chỉ hướng mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018 – 2020 đạt trên 7,4%/năm, GRDP/người năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm mà xa hơn Hà Nội hướng đến một trung tâm tài chính, một siêu đô thị, TP đáng sống trong khu vực.
Theo Trâm Anh/Kinh tế & Đô thị