Home Bất động sản Cần bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu kinh...

Cần bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế

0

Hiện nay cả nước có 19 khu kinh tế, 26 khu kinh tế cửa khẩu đang vận hành, tuy nhiên dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 28/2 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, TS. Trần Quang Huy – Khoa pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng đến Luật Đất đai năm 2013 các quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm quyền với tư cách chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư kinh doanh và quyền lợi ích hợp pháp từ việc cho phép mua nhà, sở hữu nhà ở tại Việt Nam được bảo hộ khá đầy đủ.

Vì vậy, cần phải khắc phục những vướng mắc gì liên quan đến quyền của nhà đầu tư và người sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tiêu điểm - Cần bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế
TS. Trần Quang Huy – Khoa pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo đó, trong tư cách nhà đầu tư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quy chế như tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất ở trong nước. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai năm 2013 chưa cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư kinh doanh là một khiếm khuyết lớn.

“Họ mới chỉ được thuê đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình để cho thuê, nhận chuyển nhượng, thuê đất trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế để đầu tư kinh doanh. Dường như đối với các giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dành cho người Việt nam định cư ở nước ngoài đang bị “rào dậu” lại một cách đáng tiếc”, ông Huy cho biết.

Do đó, dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không chỉ đối với đất phi nông nghiệp mà cả đất nông nghiệp, đất trồng lúa để đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức kinh tế Việt Nam được giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng, nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.

Tuy nhiên quy định này tạo sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, dường như đây là sân chơi riêng biệt nhiều hứa hẹn của riêng các tổ chức kinh tế của Việt Nam, hầu như coi việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa tâm linh chỉ là khoảng trời riêng của tổ chức kinh tế Việt Nam.

“Nếu có thêm các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng tham gia vào phân khúc thị trường bất động sản này thì càng có thêm nhiều nhà đầu tư, có cạnh tranh để cung cấp hạ tầng các khu nghĩa trang, nghĩa địa hiện nay cho các nhu cầu dịch vụ”, ông Huy nhấn mạnh.

Mặt khác, đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sử dụng đất tại các khu vực kinh tế đặc biệt này đều chỉ trong tư cách nhà đầu tư sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp, mà không phải là nhà đầu tư hạ tầng phát triển khu công nghiệp.

Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vốn dĩ có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp, có năng lực về vốn, có công nghệ tốt và khả năng điều hành quản trị doanh nghiệp phát triển hạ tầng. Khi cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đầu tư phát triển hạ tầng sẽ thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Do đó TS. Trần Quang Huy cho rằng cần cho phép các tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; dự án hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng.

Tiêu điểm - Cần bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế (Hình 2).
Hiện nay cả nước có 19 khu kinh tế với quy mô 853 nghìn ha, 26 khu kinh tế cửa khẩu đang vận hành theo các quy định của pháp luật.

Chỉ ra thực tế, hiện nay cả nước có 19 khu kinh tế với quy mô 853 nghìn ha, 26 khu kinh tế cửa khẩu đang vận hành theo các quy định của pháp luật, ông Huy cho biết trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế thì quy chế pháp lý của việc quản lý, sử dụng đất trong khu kinh tế sẽ thực hiện như thế nào?

“Đây là một thiếu vắng lớn trong quản lý, sử dụng đất đai đối với đất sử dụng cho khu kinh tế”, ông Huy cho biết. 

Vì vậy, TS. Trần Quang Huy cho rằng trong Luật Đất đai sửa đổi cần khắc phục vấn đề này và bổ sung quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế, cần bổ sung một điều về đất sử dụng cho khu kinh tế ngay sau điều luật quy định về đất sử dụng cho khu công nghệ cao. 

Lê Mạnh Quốc

Link nguồn