Mặc dù xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, đa dạng nguồn cung nhưng nguy cơ năm học 2023 – 2024 học sinh bị thiếu sách là hiện hữu.
Lâu nay, việc lùm xùm trong chọn sách giáo khoa chưa có hồi kết. Dự luận vẫn băn khoăn, Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Quốc hội và Quyết định số 404 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông khuyến khích chủ trương xã hội hóa, tránh việc độc quyền và lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và toàn diện.
Nguy cơ thiếu SGK
Hiện tại, NXB Giáo dục Việt Nam đang đối diện với việc thiếu giấy in sách giáo khoa phục vụ năm học 2023 – 2024. Điều này càng có cơ sở khi ngày 12/4/2023, trong Thông báo Kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với Nhà xuất bản GD có đoạn: “- Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giấy chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng.”
Thông báo Kết luận của Bộ trưởng về buổi làm việc với NXB GD Việt Nam ngày 12/4/2023.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu thực sự sách giấy của NXB GD chậm tiến độ, giáo viên và học sinh ở những địa phương chỉ chọn bộ sách của NXB GD sẽ dạy và học thế nào?
Phương án sử dụng bản PDF rõ ràng chưa thể hiện được hết vấn đề. Không phải học sinh nào, gia đình nào cũng có máy tính, để học sinh truy cập vào sách, đặc biệt ở vùng nông thôn. Chưa kể học sinh không thể đem máy tính hay điện thoại đến trường.
Và như vậy năm học 2023 – 2024 tới đây, chuyện NXB Gíao dục Việt Nam không thể cung cấp đủ sách giáo khoa đầu năm học là hoàn toàn có thể xảy ra, và nó không chỉ dừng lại ở diện “một vài địa phương” như năm 2022 mà có thể là ở tất cả các địa phương chọn sách của NXB GD. Mỗi năm cả nước có khoảng 20 triệu học sinh, với công bố nắm giữ hơn 70% thị phần sách giáo khoa của NXB GD, bao nhiêu học sinh sẽ thiếu sách học?
Thiếu sách: Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc NXB Giáo dục dục Việt Nam công bố bản PDF sách giáo khoa không phải là cách làm để giải quyết triệt để vấn đề. Anh Phạm Phú H. phụ huynh có 2 con đang học nói: “Mỗi quyển sách giáo khoa tôi mua cho con tôi là hơn 20 nghìn đồng. Nhưng chỉ in 2 tuần từ bản PDF cho con tôi học tạm, số tiền mỗi môn đã vượt quá giá quyển sách đó, đây là sự lãng phí rất lớn.”
Chị Nguyễn Ngọc Oanh bức xúc: “Năm ngoái, tôi phải in cho con tôi học 2 tuần trước khi mua được sách giáo khoa. Nghĩa là trong các quyển sách giáo khoa đó, mỗi quyển có 2 tuần con tôi không được học, nhưng tôi vẫn phải trả tiền cho những bài con tôi không học đó. Nếu tính rộng ra cả nước, phụ huynh phải trả tiền cho những bài mà con mình không học như vậy là rất nhiều. Tại sao chúng tôi lại phải làm việc này?”
Sắp bước vào năm học 2023- 2024, nếu NXB Giáo dục Việt Nam không cung cấp đủ sách giáo khoa cho những địa phương lựa chọn bộ sách của họ, liệu họ có phải chịu trách nhiệm, hay vẫn bắt phụ huynh tiếp tục trả tiền cho những bài mà con họ không được học.
Các địa phương biết trước tình trạng có thể sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam sẽ chậm tiến độ, gây nhiều khó khăn cho việc dạy và học, nhưng vẫn khăng khăng lựa chọn một bộ sách duy nhất của NXB Giáo dục Việt Nam, liệu có phải chịu trách nhiệm?
Chỉ hình dung việc phụ huynh phải in bản PDF sách giáo khoa cho con em mình đã thấy sự nhếch nhác và lãng phí khủng khiếp. Giả sử sách giáo khoa của NXB GD chậm tiến độ 1 tháng, số bản in dùng tạm mà phụ huynh phải thực hiện cho con mình sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền? Ai là người chịu trách nhiệm về sự lãng phí vô lí này? Trách nhiệm của các hội đồng chọn sách ở các địa phương sẽ thế nào, họ có phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật và xã hội khi biết trước sự việc nhưng vẫn khăng khăng với quyết định của mình? Câu hỏi để ngỏ, đang rất cần sự trả lời từ các bên liên quan.
Khánh Bình – Minh Châu