Home Kinh tế vĩ mô Cần hơn 380 tỷ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng...

Cần hơn 380 tỷ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’

0

Nguồn tài chính là thách thức lớn nhất để Việt Nam thực hiện các mục tiêu đã cam kết, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG).

Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.

Kinh tế vĩ mô - Cần hơn 380 tỷ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” 
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị.

“Các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Đạo đức, văn hoá kinh doanh vừa tạo ra nội lực và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, vừa là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công nhận định. 

3 thách thức lớn cho mục tiêu phát thải bằng “0” 

Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh trên thế giới trong hai thập kỷ vừa qua.

“Yêu cầu cấp bách hiện nay là Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường góp phần đạt mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thích ứng với “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau COP26”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Quang, có 3 thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, nguồn tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là rất lớn. Theo đó, ước tính nhu cầu tài chính đến năm 2050 để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là khoảng trên 380 tỷ USD. Đây là rào cản rất lớn trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn hỗ trợ ưu đãi của quốc tế ngày càng ít đi.

Thứ hai, trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế, nhất là khả năng tự chủ công nghệ, chưa kể việc thực hiện nội địa hóa công nghệ nhìn chung còn chậm do hệ thống công nghiệp phụ trợ chưa thực sự phát triển để làm bệ đỡ; hầu hết các thiết bị, công nghệ có hàm lượng công nghệ cao đều phải nhập khẩu.

Thứ ba, là quốc gia đang phát triển, để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế ngoài yếu tố tài chính, công nghệ thì vấn đề quản trị, quản lý và đảm bảo công ăn việc làm và ổn định xã hội là những vấn đề cần được xem xét, cân đối trong quá trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Kinh tế vĩ mô - Cần hơn 380 tỷ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0”  (Hình 2).
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên cơ sở đó, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh quá trình xây dựng nền kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu cần sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo. Theo đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Một là, triển khai hiệu quả các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Hai là, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ba là, đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo hiểm cho sản xuất, kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp trong một số loại hình sản xuất có mức độ rủi ro cao như trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản.

Bốn là, thu hút nguồn lực quốc tế, bao gồm các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm… để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát thải thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu, về trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường, khí hậu.

Nguồn lực tư nhân cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Ở góc độ địa phương, bà Vũ Thị Kim Chi – Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Quảng Ninh xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách, chính vì vậy trong chiến lược phát triển Quảng Ninh đã định vị và thay đổi cơ cấu kinh tế chuyển từ nâu sang xanh.

Trong đó, xác định tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực đầu tư. Quảng Ninh đã chủ động thí điểm mô hình hợp tác công tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như sân bay Vân Đồn, đường cao tốc.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tin tưởng, mở rộng đầu tư, các cấp chính quyền đã mạnh dạn và quyết liệt trong việc sẵn sang áp dụng cơ chế thí điểm trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện.

Đây chính là bước đầu trong việc huy động nguồn lực tư nhân vào việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Quảng Ninh cũng đã tiếp cận nguồn năng lượng phát triển bền vững. Hiện tại Quảng Ninh chiếm khoảng 16% năng lượng điện của cả nước, nhưng thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu truyền thống là than đá, trong quy hoạch tỉnh cho giai đoạn mới tỉnh đặt mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng mới như phong điện, điện mặt trời, điện khí.

Lê Mạnh Quốc

Link nguồn