Home Kinh tế vĩ mô Cần làm gì để xây dựng mô hình khu công nghiệp phát...

Cần làm gì để xây dựng mô hình khu công nghiệp phát triển bền vững? 

0

Phó Chủ tịch VCCI cho biết còn nhiều “điểm nghẽn” về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị trong việc phát triển bền vững các KCN. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam” tổ chức sáng ngày 28/3, ông Nguyễn Quang VinhPPhó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cả nước hiện có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

“Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cần làm gì để xây dựng mô hình khu công nghiệp phát triển bền vững?
 Ông Nguyễn Quang Vinh – Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch VCCI.

Tuy nhiên qua thực tiễn khảo sát cho thấy, phần lớn chủ đầu tư của các KCN chưa thực sự quan tâm đến mô hình KCN phát triển bền vững.

“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Khung pháp lý để KCN phát triển bền vững chưa hoàn thiện

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội cho biết, giữa hiện thực và thể chế pháp lý luôn có một khoảng cách. Điều đó khiến cho các điểm nghẽn pháp lý chặn lại sự phát triển của KCN, Khu kinh tế (KKT) tại Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.

Thứ nhất, theo vị chuyên gia nhận định những chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá.

“Tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở loại hình văn bản dưới luật”, ông Tuyến nói.

Thứ hai, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KCN, KKT còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; chưa được đặt trong mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác, với sự phát triển vùng và với xã hội.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cần làm gì để xây dựng mô hình khu công nghiệp phát triển bền vững? (Hình 2).
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý thúc đấy sự phát triển bền vững của KCN, KKT.

Thứ ba, loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới; quy định về quản lý KCN, KKT có sự khác biệt với các luật chuyên ngành.

Thứ tư, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; sự liên kết, hợp tác với các khu vực bên ngoài còn hạn chế.

Thứ năm, vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương.

Thứ sáu, việc quản lý, sử dụng đất cũng được coi là một trong những cản trở sự phát triển của KCN, KKT tại Việt Nam.

Và cuối cùng, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đánh giá tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở Trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ban ngành

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực để phát triển các mô hình KCN mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả KCN. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống KCN, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, lợi ích của KCN sinh thái và KCN bền vững là rất lớn, giúp các doanh nghiệp sản xuất kết hợp được với nhau thực hiện các giải pháp xanh sạch hơn, tiết kiệm được chi phí và tối ưu hóa hoạt động sản xuất của mình.

Bên cạnh đó, tăng thêm trách nhiệm về mặt môi trường, xã hội với cộng đồng xung quanh, từ đó nhận diện hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường sẽ được cải thiện.

Đặc biệt, mô hình phát triển bền vững cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh bằng cách giảm ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, giảm hóa chất độc hại ra môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cần làm gì để xây dựng mô hình khu công nghiệp phát triển bền vững? (Hình 3).
Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về cơ chế hỗ trợ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong KCN.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp hợp tác với nhau, để được sử dụng chung các hệ thống hạ tầng sản xuất tái sử dụng nguyên liệu sản xuất. Đồng thời có thể kết hợp với doanh nghiệp thứ ba ở ngoài KCN trong việc hiện thực hóa các kết nối cộng sinh công nghiệp.

Tuy nhiên, bà Hiếu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ thực hiện giải pháp KCN sinh thái là ban quản lý các KCN tại các tỉnh thành phố. Ban quản lý có thể giao cho một đơn vị công lập thực hiện các chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, kết nối, tư vấn quá trình triển khai thực hiện KCN sinh thái.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Link nguồn