Home Ấn tượng 24H Cạnh tranh thị phần bán lẻ ngày càng khốc liệt, lối đi...

Cạnh tranh thị phần bán lẻ ngày càng khốc liệt, lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?

0

Doanh nghiệp Việt có thể không cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI về vốn và quy mô, nhưng có thể đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.

Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini.

Còn theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Từ số liệu này có thể thấy, mặc dù phải chịu sự cạnh tranh với khối doanh nghiệp FDI nhưng dư địa dành cho các doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ vẫn rất lớn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến 2 xu hướng: Sự đào thải hàng loạt tên tuổi khỏi thị trường như Trần Anh, Shop & Go, Fivimart, và mới nhất Auchan. Ngược lại là sự nổi lên của những tên tuổi lớn như VinGroup, BRG, hay Saigon Co.op…

Các chuyên gia dự báo, năm 2019 có thể chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, tuy nhiên chỉ xảy ra tại một số phân khúc.

Hiện nay, có thể tạm phân chia thị trường bán lẻ Việt Nam thành 8 phân khúc với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối; Trung tâm thương mại; Trung tâm mua sắm phức hợp; Siêu thị; Siêu thị mini/Cửa hàng bán lẻ tiện lợi/Cửa hàng chuyên dụng; Siêu thị điện máy; Bán lẻ trực tuyến; Bán hàng qua truyền hình.

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị hay trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; 1.000 dân cần 1 – 3 cửa hàng tiện lợi. Lợi thế của doanh nghiệp Việt nằm ở phân khúc cửa hàng tiện ích/siêu thị mini.

“Doanh nghiệp Việt có thể không cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI về vốn và quy mô, nhưng có thể đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt vẫn theo xu hướng nhanh, tiện lợi trong khi lại nâng cao sự quan tâm với vấn đề nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Do đó, việc thấu hiểu thị hiếu khách hàng và phát triển hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại các điểm đông dân cư sẽ là hướng đi đúng đắn.

Thực tế, Saigon Co.op hay VinGroup đang làm và đã đạt được những thành công nhất định. Con số các cửa hàng tiện ích của các thương hiệu này trên cả nước đã lên đến hàng nghìn, trong khi cùng phân khúc này, các doanh nghiệp ngoại mới có vài chục cửa hàng tại các đô thị lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,6%), sức mua tiêu dùng tăng cao; cho thấy tiềm năng phát triển thị trường bán lẻ rất lớn.

Nghiên cứu mới nhất của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đã lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với thị trường TP Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ đã đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13%.

Theo Thanh Bút/Thương Gia