Ngày 2/3, trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại diện Ban quản lý dự án 7 cho biết, đang đôn đốc thi công cao tốc cho kịp tiến độ nhưng còn thiếu rất nhiều đất đắp.
Theo Ban quản lý dự án 7 (QLDA), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay toàn dự án có 18 dây chuyền thi công bê tông nhựa; 30 dây chuyền thi công cấp phối đá dăm gia cố xi măng với hơn 554 máy thi công chính như: lu, rải, san, ủi. Ngoài ra, còn có hơn 500 xe vận chuyển và trên 2.500 kỹ sư, nhân công, lái xe máy.
Giai đoạn đầu triển khai tiến độ dự án chậm trễ do nguyên nhân chính là thiếu vật liệu đất đắp và nhà thầu chưa quyết liệt thi công, từ đầu năm 2022 đến nay dự án có nhiều chuyển biến rất mạnh mẽ.
Sau 1 năm thi công sản lượng dự tăng được khoảng 55%, tương đương gần 3.500 tỷ đồng (từ đạt 18% tăng lên 73,22%) và sau Lễ phát động thi đua 120 ngày đêm và Bộ GTVT đi kiểm tra dự án vào ngày 21/11/2022 thì sản lượng tăng đột biến nhất trong giai đoạn cuối.
Các nhà thầu đã tích cực huy động máy móc; tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp để bù sản lượng bị chậm, đến nay đã cơ bản thông xe kỹ thuật của dự án, tuyến chính đạt được khoảng gần 90%.
Nói về chậm tiến độ công trình, Ban QLDA 7 cho biết, nguyên nhân là do các mỏ đất được cấp phép theo Nghị quyết số 60/NQ-CP cung cấp cho dự án hết hạn khai thác ngày 10/12/2022, phải làm thủ tục gia hạn nên làm gián đoạn công tác thi công nền đường tuyến chính (còn lại khoảng hơn 40.000m3 phải đào ở các vị trí đường ngang, đường gom đã thi công để ưu tiên đắp cho tuyến chính).
Đến nay còn khoảng 920.000m3 đắp nền đường gom, đường ngang còn phải thi công, tuy nhiên các mỏ này chưa hoàn thành thủ tục gia hạn giấy phép khai thác, dẫn đến tình trạng tiếp tục thiếu vật liệu đắp nền đường, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành vào 30/4/2023.
Do nhu cầu tăng cao đột biến trong thời gian ngắn, mặc dù các đơn vị đã chủ động tập kết và làm việc với các mỏ đá để sản xuất 24/24 nhưng vẫn chưa đảm bảo cung cấp kịp thời theo tiến độ thi công.
Mùa mưa diễn biến bất thường, kéo dài hơn thường lệ (năm 2022 có hơn 120 ngày mưa), riêng tháng 11 và 12/2022 vẫn còn 13 ngày mưa lớn, gây gián đoạn công tác thi công.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023, các đơn vị vào cuộc rất chậm trễ, thi công ì ạch, nhiều tổ đội thi công, cán bộ kỹ thuật, lái xe máy chưa quay lại công trường để triển khai thi công dẫn đến tiến độ thi công rất chậm trễ so với kế hoạch (chỉ đạt 40% kế hoạch).
Nhiều đơn vị có tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng dẫn đến công tác triển khai thi công gián đoạn do thiếu vật tư, nhiên liệu.
Về giải pháp xử lý chậm tiến độ, Ban QLDA 7 bố trí lãnh đạo Ban và cán bộ các phòng ban chức năng thường trực ở hiện trường để chỉ đạo, điều hành thi công đồng thời phối hợp với nhà thầu xử lý hồ sơ, các pháp lý kịp thời. Phối hợp chặc chẽ và tích cực làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.
Về xử lý nhà thầu vi phạm tiến độ, ban đã cắt chuyển tổng cộng khoảng 36Km tuyến chính và 03 cầu của các nhà thầu, tổ độ thi công yếu kém, không đảm bảo tiến độ.
Ngoài việc cắt chuyển khối lượng, Ban QLDA 7 đã có nhiều giải pháp kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn nước rút để đảm bảo tiến độ thi công của Dự án. Tăng cường huy động thiết bị mở thêm các mũi thi công và tổ chức thi công 3 ca 4 kíp: Tổng số thiết bị thi công chính đến nay đã gấp 1,5 số lượng thiết bị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
Sản lượng thi công trong các tháng cuối năm đạt mức hơn 6% tăng đột biến so với các giai đoạn trước đây. Trong các tháng 11, 12/2022 và 1/2023 đa số các đơn vị đều tổ chức các mũi thi công xuyên đêm, đặc biệt là hạng mục bê tông nhựa bị chậm trễ. Đây là đường găng của dự án.
Hiện nay cơ bản các nhà thầu đang rất tích cực triển khai thi công, Ban QLDA 7 đang kiểm soát sát sao tiến độ điều chỉnh và có kế hoạch thi công cụ thể để bù khối lượng, sản lượng thi công chậm.
Trong đó, ngoài việc tập trung tối đa nguồn lực, nhà thầu cần tiếp tục duy trì tổ chức thi công 3 ca 4 kíp và đặc biệt là đảm bảo nguồn tài chính để phục vụ thi công, yêu cầu cụ thể: bê tông nhựa hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/3/2023; Hệ thống an toàn giao thông cầu vượt ngang, đường ngang đường gom hoàn thành chậm nhất trong tháng 4/2023.
Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 100,8 km đi qua tỉnh Bình Thuận với 4 gói thầu, tổng mức đầu tư là 10.853,9 tỷ đồng.
Điểm đầu tại km134 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, điểm cuối là km235 qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam và trùng với điểm đầu đoạn Phan Thiết – Dầu Giây. Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được thiết kế đầu tư giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m, tốc độ tối đa 80 km/h.
Dự án có 31 cầu trên tuyến chính; 20 cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1 và 5 cầu vượt nút giao liên thông.
Dự án khởi công ngày 30/9/2020, kế hoạch hoàn thành 30/12/2022 và sau đó được gia hạn đến ngày 30/4/2023. Tuy nhiên, với tình hình thiếu đất đắp hiện tại, nếu không kịp thời tháo gỡ, dự án cao tốc này khó về đích như quyết tâm của Bộ GTVT.
Nguyễn Đắc Phú