Theo vị thuyền trưởng của Đất Xanh Premium thì rào cản lớn nhất trong quá trình công nghệ hóa hoạt động môi giới bất động sản chính là sự minh bạch về dữ liệu.
Ông Nguyễn Quốc Quý, CEO Đất Xanh Premium (Thứ hai từ phải sang) thảo luận cùng các diễn giả
Sự kiện “Real Estate & Tech Forum 2019” với chủ đề “Bất động sản chuyển mình trong kỷ nguyên công nghệ” diễn ra mới đây thu hút sự tham gia của gần 200 khách mời là các CEO, quản lý cấp cao và các chuyên gia đầu ngành bất động sản. Trong đó có thể kể đến các chuyên gia, diễn giả hàng đầu như ông David Jackson, CEO Colliers International Việt Nam; ông Stephen Wyatt, CEO JLL Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Quý, CEO Đất Xanh Premium; ông Phạm Lâm, CEO & Founder DKRA Việt Nam…
Tại tham luận “Các doanh nghiệp bất động sản đang ứng dụng công nghệ vào hoạt động công ty như thế nào trong kỷ nguyên 4.0?”, ông Nguyễn Quốc Quý, CEO Đất Xanh Premium nhận định: “Bất động sản Việt Nam đang chuyển mình trong kỷ nguyên công nghệ. Tuy nhiên phải ít nhất 2 năm nữa, các doanh nghiệp mới thực sự được xem là bước vào thời kỳ 4.0 với nhiều ứng dụng công nghệ được đưa vào hoạt động kinh doanh”.
Theo ông Quý, cùng với các ngành hàng khác, bất động sản đang có những bước chuyển mình để không bị lạc hậu với thời đại. Cách đây khoảng 5 năm, marketing bất động sản chủ yếu dựa vào kênh trực tiếp như phát tờ rơi, sales phone, đăng tin, spam SMS… Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã tiếp cận và khai thác khách hàng chủ yếu trên nền tảng internet và mạng xã hội, sử dụng các công cụ marketing online, tăng tính trải nghiệm bằng cách ứng công nghệ 3D, tạo ra sa bàn ảo, nhà mẫu ảo…
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của công nghệ bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt đến thời kỳ 4.0. Ở các cường quốc như Mỹ, Anh, khi ứng dụng 4.0, khách hàng hoàn toàn có thể mua một ngôi nhà trên Internet mà không cần phải thông qua bất cứ nhân viên môi giới hoặc sàn giao dịch nào.
Còn ở thị trường Việt Nam, mặc dù tỷ lệ sử dụng công nghệ lên đến 67%, người dùng vẫn chưa chấp nhận và tin tưởng vào công nghệ trong giao dịch bất động sản. Công nghệ chỉ đóng vai trò kết nối giữa khách hàng và nhà môi giới, trước khi đưa ra quyết định, khách hàng vẫn phải trực tiếp đi xem dự án, gặp gỡ nhân viên tư vấn, giao dịch thông qua sàn.
Cũng theo vị diễn giả này, rào cản lớn nhất trong quá trình công nghệ hóa hoạt động môi giới bất động sản chính là sự minh bạch về dữ liệu. Dẫn chứng theo Báo cáo minh bạch năm 2018 của JLL, báo cáo được khảo sát 100 thị trường bất động sản trên toàn cầu được chia thành 5 nhóm: Siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, kém minh bạch và không minh bạch. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 61, xếp hạng cao nhất trong nhóm “Kém minh bạch”.
Hoạt động môi giới diễn ra rầm rộ hàng ngày trên Internet, nhưng đa phần đều là những thông tin chưa qua kiểm chứng, tính xác thực không cao. Hầu hết các thông tin về dự án đều được “tô vẽ” để trở nên hấp dẫn hơn, thậm chí không được cung cấp bởi những nhà môi giới chuyên nghiệp. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến lòng tin của khách hàng đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi một quá trình nhất định. Trong tương lai, khách hàng có thể mua bất động sản bằng cách truy cập trên Internet, đặt cọc dự án qua mobile app hoặc vài cú click chuột. Hoạt động tư vấn cũng có thể thay thế hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo, hay công nghệ thực tế ảo sẽ thay thế các công cụ bán hàng truyền thống.
Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều đó, cần phải có thời gian để minh bạch thị trường, xây dựng niềm tin và thay đổi hành vi người dùng, cũng như thời gian để các doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới. Quá trình đó có thể mất ít nhất 2 năm.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Qúy, các diễn giả khác cũng cho rằng, cần thời gian và hành động cụ thể để ngành bất động sản Việt Nam thực sự bước vào kỷ nguyên 4.0. Trước tiên, các cá nhân và doanh nghiệp phải đồng lòng cải thiện sự minh bạch thông tin trên Internet để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, sau đó, công nghệ số hóa dần trong quy trình hoạt động của cả cá nhân lẫn tổ chức.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc, có những quy định khắt khe hơn cho nghề môi giới, chẳng hạn như người làm môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, mọi thông tin đăng tải trên nền tảng Internet đều phải qua kiểm duyệt để tăng cường trách nhiệm của môi giới, nâng cao tính minh bạch cho thị trường…
Theo Hoàng Sơn/Thương Gia