Sau vụ cháy chung cư Carina, có thể thấy, nhiều cư dân phần nào đã có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ cách xử lý khi có sự cố cháy xảy ra.
Dường như sau khi phát triển rầm rộ thành phong trào kiểm tra chất lượng công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư sau vụ cháy Chung cư Carina Plaza, đến nay việc này lại bị buông lơi ở nhiều khu chung cư, khu tập thể… tại TP. HCM.
Mới đây, các cư dân sống tại Chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP. HCM) được một phen hoảng loạn khi một căn hộ tại Block A2 bốc cháy dữ dội. Điều đáng nói, khi vụ hỏa hoạn xảy ra, toàn bộ hệ thống chuông báo cháy tự động đều không hoạt động.
Một nghịch lý lạ đời cũng tại chung cư này cũng khiến cho hàng trăm cư dân được một phen dở khóc dở cười vì hệ thống báo cháy hoạt động tùy hứng. Theo phản ánh của các cư dân, cứ nửa đêm hoặc giữa trưa chuông báo cháy lại reo inh ỏi, mặc dù không có sự cố nào xảy ra.
“Cứ mỗi ngày chuông báo cháy vang liên tục 5 đến 6 lần, cư dân hoảng sợ không biết làm sao. Một hồi sau, bảo vệ chung cư thông báo hướng dẫn cư dân sơ tán đi theo lối thang bộ để xuống đất, chính bảo vệ cho biết cũng không biết có cháy thật hay không. Nghe riết thành quen nên có chuông báo cháy cũng mặc kệ, nếu một ngày nào đó có cháy thật thì không biết sẽ thế nào”, anh Quang, một cư dân sống tại Chung cư Zen Tower lo lắng.
Hay nhiều năm nay, hàng trăm cư dân tại chung cư 86 Tản Đà (phường 11, quận 5, TP. HCM) lo sợ “số phận” giống cư dân Carina Plaza bởi hành lang phòng cháy chữa cháy của chung cư lại được sử dụng làm bãi gửi xe, diện tích tầng hầm cho ngân hàng thuê làm kho bãi gây nên tình trạng nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Một người dân sống tại chung cư cho hay: “Cách đây không lâu, chủ đầu tư còn làm cả mái hiên ở trên, dùng hàng rào sắt rào lại để giữ xe. Cư dân phản đối nhiều lần nên họ đã dỡ mái hiên đi, tuy nhiên mục đích sử dụng vẫn để trông xe. Ngoài ra, ban đêm rào chắn được khóa lại, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa tiếp cận bằng cách nào?”.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thành phố, từ năm 2014 – 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6.245 sự cố cháy khiến 85 người chết, 238 người bị thương; 13 vụ nổ làm 10 người chết, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản từ các vụ cháy, nổ hơn 835 tỷ đồng.
Năm 2018, trên địa bàn TP. HCM xảy ra 672 vụ cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, đáng chú ý có 15 vụ cháy tại các chung cư cao tầng, làm chết 13 người và 51 người khác bị thương.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC, trong năm 2018 tình hình cháy nổ trên địa bàn TP. HCM đã được kéo giảm và kiềm chế. Theo đó, trên địa bàn xảy ra 672 vụ cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ, giảm 599 vụ (-47,13%) so với cùng kỳ. Trong đó, xảy ra 495 vụ cháy (giảm 512 vụ, tương đương giảm 50,84%), làm chết 27 người, bị thương 83 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 13,5 tỷ đồng.
Địa bàn xảy cháy ra cháy nhiều nhất là Q.9, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Xét về loại hình, nhà ở đơn lẻ xảy ra cháy nhiều nhất trong năm 2018 với tổng cộng 217 vụ. Tiếp sau là các công ty, cơ sở sản xuất 116 vụ. Đáng chú ý trong năm 2018 xảy ra 15 vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng. Trong đó lớn nhất là vụ cháy chung cư Carina (P.16, Q.8) khiến 13 người chết và 51 người bị thương.
Ngoài ra, đã xảy ra 2 vụ nổ khí gas tại nhà dân làm 3 người bị thương. Cảnh sát PCCC & cứu nạn cứu hộ đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn 175 vụ tai nạn, sự cố, giảm 89 vụ, tương đương 33,71% so với năm 2017. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn cho 1.000 người thoát nạn trong đám cháy, trực tiếp cứu được 296 người, bảo vệ được hơn 10.000m2 diện tích nhà xưởng, nhà kho cùng nhiều căn nhà, công trình…
Theo Phòng Cảnh sát PCCC TP. HCM, dù tình hình cháy nổ trên địa bàn đã được kéo giảm sâu nhưng tính chất các vụ cháy vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ cháy giảm nhưng số người chết và bị thương tăng lần lượt 1 người và 39 người so với năm 2017.
Một số vụ cháy chung cư như tại chung cư Carina gây thiệt hại lớn về người, tài sản và gây hoang mang trong dư luận. Đáng chú ý, số vụ cháy nhà ở đơn lẻ tuy đã giảm mạnh so với năm 2017 nhưng vẫn chiếm tới 43,84% tổng số vụ cháy trên toàn địa bàn thành phố.
Trong năm 2018, lực lượng PCCC đã tập trung một số chuyên đề trọng tâm như kiểm tra công trình cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ có kho hàng hóa, các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke…
Qua đó, đã kiểm tra 44.130 lượt cơ sở và phát hiện 5.516 lỗi vi phạm, lập biên bản xử phạt gần 5.000 cơ sở vi phạm với số tiền khoảng 5,6 tỷ đồng. Ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở.
Sau vụ cháy chung cư Carina, có thể thấy, nhiều cư dân phần nào đã có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ cách xử lý khi có sự cố cháy xảy ra.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, mặc dù các hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy tại các chung cư được trang bị khá đầy đủ theo quy định nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện phòng cháy chữa cháy chưa thực sự được coi trọng. Rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hệ thống báo cháy, chữa cháy không hoạt động.
Nhiều chung cư hệ thống báo cháy tự động xảy ra hiện tượng báo động giả, bị người dân phản ánh nên chủ đầu tư, ban quản lý ngắt luôn hệ thống chuông báo động, khi xảy ra cháy, người dân không thể biết để thoát nạn.
Đặc biệt, để xảy ra những vụ cháy nổ thương tâm phải nói đến trách nhiệm của một số chủ đầu tư. Rất nhiều chung cư sau khi đã đưa vào hoạt động nhưng chưa thành lập ban quản trị, một số chủ đầu tư sau khi đã bàn giao nhà thì giao hết trách nhiệm cho ban quản trị, ban quản lý toà nhà nên việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy cũng gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ thiếu và yếu với chủ đạo là lực bảo vệ, bảo trì chung cư. Bên cạnh đó, chế độ thường trực không rõ ràng, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là công tác bảo vệ an ninh; việc thường trực, tuần tra, kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy tại toà nhà luôn bị xem nhẹ.
Cũng về câu chuyện PCCC tại chung cư, Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (Venus), đơn vị chuyên quản lý vận hành chung cư cho rằng, đối với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy thì luôn phải lấy yếu tố phòng ngừa làm chính và 4 phương châm tại chỗ cũng là một trong những giải pháp tối ưu để phòng chống “giặc lửa”. Tuy nhiên, phòng ngừa không đồng nghĩa sẽ an toàn tuyệt đối, bởi chỉ cần một bất cẩn nhỏ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, đơn vị quản lý vận hành ngoài nhiệm vụ bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy, tập huấn kỹ năng chữa cháy tại chỗ cũng phải có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo người dân cẩn trọng, chấp hành quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện.
“Đây rõ ràng đều là các nội dung không mới, nhưng trên thực tế tất cả cũng đều không được áp dụng và thực hành một cách nghiêm túc, hiệu quả bởi một lý do cố hữu chính là sự chủ quan của con người, mà sự chủ quan đồng nghĩa với việc người dân đang xem nhẹ an toàn tính mạng lẫn tài sản của chính mình”, bà Hương nói.
Theo Minh Thuận/Thời báo chứng khoán