Quyết toán chi ngân sách 2017, chi thường xuyên là 881.687 tỷ đồng, bằng 65% tổng số chi theo dự toán, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Báo cáo về tình hình chi ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cho biết đối với chi thường xuyên, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp ngân sách nhà nước 327 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương điều hành chi ngân sách trong điều kiện hụt thu (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) chưa phù hợp quy định.
Đặc biệt có 38/49 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí lên tới 3.104,9 tỷ đồng.
Các địa phương này gồm: Hà Nội 127,6 tỷ đồng; Bến Tre 555,5 tỷ đồng; Bình Phước 330 tỷ đồng; Ninh Bình 313,9 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 311 tỷ đồng; Hà Nam 285,9 tỷ đồng; Hòa Bình 195,2 tỷ đồng; Khánh Hòa 147,6 tỷ đồng; Đắk Lắk 118,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 108 tỷ đồng; Thái Bình 81,8 tỷ đồng; Bình Định 74,2 tỷ đồng…
Trong số 38 địa phương này, có 12 địa phương sử dụng 286,9 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất… để bổ sung chi thường xuyên sai quy định, gồm: Nghệ An 85,3 tỷ đồng; Bình Định 73 tỷ đồng; Đắk Nông 61 tỷ đồng; Thái Nguyên 14,4 tỷ đồng; Ninh Bình 13,1 tỷ đồng…
Kết quả kiểm toán 49 địa phương cũng chỉ ra 23 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 462 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 130 tỷ đồng; Đà Nẵng 30 tỷ đồng, Lạng Sơn 90 tỷ đồng; Quảng Ninh 51 tỷ đồng; Thanh Hóa 50,5 tỷ đồng; Quảng Nam 40,6 tỷ đồng; Ninh Bình 11,9 tỷ đồng; Gia Lai 10,6 tỷ đồng; Lai Châu 7,7 tỷ đồng; Thái Bình 7,3 tỷ đồng; Quảng Ngãi 7,2 tỷ đồng; Thái Nguyên 5,8 tỷ đồng; Bạc Liêu 5 tỷ đồng…;
20 địa phương chưa thu hồi kinh phí tiền lương đã giao cho các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BTC-BYT với tổng giá trị 440,8 tỷ đồng, gồm: Đà Nẵng 116,1 tỷ đồng; Hải Dương 32,1 tỷ đồng; Quảng Nam 28,6 tỷ đồng; Nghệ An 27,8 tỷ đồng; Bình Phước 26,5 tỷ đồng; Hà Nam 26,1 tỷ đồng; Đắk Lắk 25,6 tỷ đồng; Kon Tum 24,5 tỷ đồng; Đăk Nông 24,3 tỷ đồng…;
32 địa phương có kinh phí tồn hết nhiệm kỳ chưa hoàn trả ngân sách trung ương với tổng số tiền lên tới 1.020 tỷ đồng, gồm: Quảng Ngãi 116,7 tỷ đồng; Trà Vinh 97,5 tỷ đồng; Kiên Giang 76,9 tỷ đồng; Gia Lai 67,3 tỷ đồng; Kon Tum 49,4 tỷ đồng; Lâm Đồng 39,3 tỷ đồng; Đắk Lắk 31 tỷ đồng…
Ngoài ra, có 10 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương với tổng số tiền 1.271 tỷ đồng, gồm: Khánh Hòa 289 tỷ đồng; Quảng Ngãi 218,5 tỷ đồng; Nam Định 146 tỷ đồng; Ninh Thuận 138,7 tỷ đồng; Lào Cai 77,8 tỷ đồng; Kon Tum 61,6 tỷ đồng; Lai Châu 65,2 tỷ đồng; Đắk Lắk 58,7 tỷ đồng…
Một số đơn vị tại 47/49 địa phương chưa trích lập đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 1.101 tỷ đồng gồm: TP. Hồ Chí Minh 76,7 tỷ đồng; Hà Nội 24,9 tỷ đồng; Gia Lai 140,5 tỷ đồng; Sóc Trăng 115,6 tỷ đồng; Hòa Bình 91,4 tỷ đồng; Thanh Hóa 60,9 tỷ đồng; Kiên Giang 52,7 tỷ đồng; Đắk Lắk 50,9 tỷ đồng; Bình Phước 40 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu 40 tỷ đồng; Đắk Nông 36,4 tỷ đồng; Lâm Đồng 27,8 tỷ đồng; Khánh Hòa 27,6 tỷ đồng; Quảng Ngãi 26,7 tỷ đồng; Thái Nguyên 19,7 tỷ đồng; Ninh Bình 18,7 tỷ đồng; Lạng Sơn 18,4 tỷ đồng; Hà Nam 14,5 tỷ đồng; Hà Giang 13,7 tỷ đồng; Bến Tre 13,8 tỷ đồng; Bạc Liêu 9 tỷ đồng; Nghệ An 7 tỷ đồng…
23/49 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định 963 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 113 tỷ đồng; tỉnh Hà Nam 279,4 tỷ đồng; Hòa Bình 135,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 108 tỷ đồng; Thái Bình 76,3 tỷ đồng; Thanh Hóa 66,2 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 53 tỷ đồng; Bến Tre 35,8 tỷ đồng…
Đáng chú ý, tình trạng chi sai này không phải lần đầu diễn ra. Hồi năm ngoái, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng.
Theo VietnamFinance