Trong tình hình lãi suất và tỉ giá được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm tới, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh với nhiều giả định.
Một năm đầy biến động của tỉ giá, lãi suất
Trong năm 2022, lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD từ 3% lên 5%. Sau quyết định này của NHNN, giá mua – bán USD tại hầu hết các ngân hàng lại tiếp tục tăng vọt.
Đáng chú ý, trong năm, khi thanh khoản thị trường ngoại tệ gặp căng thẳng, NHNN đã liên tục bán USD ra và tạm dừng kênh mua để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cũng trong năm nay, NHNN đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020. Những tháng cuối năm, sau quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2%, “cuộc đua” tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại tiếp tục nóng bỏng. Trong tháng 12, quán quân ngân hàng trả lãi cao nhất thuộc về NCB với 12,25%/ năm cho kỳ hạn từ 12 tháng.
Các công ty chứng khoán đánh giá mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3 – 4%/năm so với cuối năm 2021.
Đem về nhiều ngoại tệ nhưng lợi nhuận giảm
Trước biến động của tỉ giá và lãi suất, doanh nghiệp chính là những đối tượng “đứng mũi chịu sào”. Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, đối với ngành xuất nhập khẩu, tỉ giá tăng đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt với nguồn ngoại tệ thu về. Mặc dù vậy nhưng doanh nghiệp phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt động tài chính khi lợi nhuận giảm, dòng tiền bị hạn chế dưới sự giới hạn của “room” tín dụng.
“Khi dòng tiền đứt gãy, công ty chỉ hoạt động trong phạm vi giới hạn chứ không thể mở rộng. Lý do là bởi không có hạn mức tín dụng vay nên mở rộng kinh doanh rất khó”, ông Tùng trao đổi thêm.
Ngoài ra, tình trạng lãi suất tăng còn ảnh hưởng kết quả kinh doanh của của doanh nghiệp, “ăn mòn” lợi nhuận của Vina T&T. Chính vì vậy, ông Tùng bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vì doanh nghiệp nào cũng cần dòng tiền hoạt động trơn tru, đặc biệt là những ngành hàng tạo ra giá trị xã hội, tạo ra sản phẩm xuất khẩu.
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định, tỉ giá tăng có lợi cho xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu chỉ đúng với một số đơn vị đặc thù. Với May 10, không bị lỗ chênh lệch tỉ giá là điều may mắn. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi từ thời điểm vay đến thời điểm đáo hạn, tỉ giá đã tăng ở một mức khác.
Ông Việt thông tin, hiện nay công ty đang chịu lãi suất ưu đãi ngắn hạn 7 – 8%, trung dài hạn trên 10%. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo trăn trở trước bài toán làm sao để doanh nghiệp có thể tăng trưởng 10% một năm, trong khi phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, vay ngân hàng bình quân lãi suất 8 – 10%, cùng với mọi chi phí đầu vào tăng.
Từ những khó khăn trên, ông Việt kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước lưu tâm nhiều hơn về những ảnh hưởng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, tỉ giá tăng đem lại bất lợi cho nhà nhập khẩu, đồng thời cũng bất lợi cho nền kinh tế. Lượng hàng hoá nhập khẩu lớn sẽ tác động tới rổ hàng hoá chung của cả nước. Điều này sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, lạm phát cũng vì thế mà tăng lên.
Còn đối với lãi suất, NHNN đã tăng lãi suất điều hành lên 2 lần trong năm sẽ có lợi về mặt chính sách ngoại tệ. Từ đó, giá trị của tiền đồng cũng tăng và phần nào làm chậm lại, giảm đi áp lực tỉ giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, khi tăng lãi suất sẽ đóng góp trong quá trình kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp sẽ vay ít hơn, lượng tiền đi vay đổ vào trong lưu thông sẽ giảm đi, từ đó sẽ giảm áp lực lên lạm phát.
Ngoài việc tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, tăng lãi suất cũng tạo áp lực lên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán vì khi đó, việc vay mượn trở nên khó khăn, giới hạn thanh khoản của thị trường này.
Cần đa dạng hóa đồng tiền thanh toán quốc tế
Đưa ra giải pháp cho nhà điều hành, trước các tác động từ bên ngoài như FED tăng lãi suất, lạm phát nhập khẩu, ông Hiếu đề xuất NHNN cần có những chính sách tiền tệ phù hợp. Trong tình hình hiện tại, giảm lãi suất không phải là biện pháp tối ưu vì sẽ khiến gia tăng lạm phát.
Tương tự với chính sách ngoại hối, theo ông Hiếu, tại thời điểm nhạy cảm như hiện nay, việc giữ mức lãi suất hiện hành sẽ có thể kiềm chế lạm phát, giảm áp lực cho nền kinh tế. Mặc dù, lãi suất cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ: “Tôi hy vọng NHNN sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỉ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất”.
Từ thực tế trên, ông Hiếu đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp rằng phải có những kế hoạch kinh doanh linh hoạt, thay đổi trước mọi bối cảnh. Doanh nghiệp cần có những kịch bản với nhiều giả định, từ đó đưa ra những chính sách riêng để vượt qua khó khăn.
Ông Hiếu dự báo, có thể trong thời gian tới, lãi suất sẽ tiếp tục tăng, mặc dù có một số ngân hàng cam kết sẽ giảm lãi suất nhưng sẽ không phổ biến với toàn thị trường.
Còn theo ông Nghĩa, đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, cần lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
“Doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi, hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được ổn định và ứng phó được với bất cứ rủi ro trên thị trường”, ông Nghĩa nói.
Phương Anh – Thanh Hồng