Home Kinh tế vĩ mô “Chủ trương có, điều kiện bó thì không giải quyết được”

“Chủ trương có, điều kiện bó thì không giải quyết được”

0

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, điều kiện cho vay thông thoáng hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 5/6, Quốc hội dành 60 phút để tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trước khi trả lời các câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói tối qua mới có thời gian đọc lại nhiều lần các câu hỏi của hơn 30 đại biểu, 4 người tranh luận chiều qua, để hiểu được hết ý. Ông Diên mong được thông cảm vì “nhiều phần trả lời chưa đúng, chưa trúng, chưa hết, thậm chí vượt nội dung đại biểu yêu cầu”.

DN xuất khẩu có lợi thế khi tỉ giá USD tăng cao

Trong phiên chất vấn chiều qua (4/6), đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đánh giá, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang rất khả quan và xu hướng năm 2024-2025 cũng sẽ rất tốt, nhất là thị trường FTA rất rộng. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp, đại biểu thấy còn rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất là tỉ giá đồng USD với đồng Euro đang có xu hướng hơi bất lợi. Thứ hai vấn đề là chi phí vận tải biển rất cao. Thứ ba, nhiều quốc gia có xuất khẩu nông sản như chúng ta có đồng tiền đang bị mất giá, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn hỏi về giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chế độ, chính sách về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu?

Kinh tế vĩ mô - “Chủ trương có, điều kiện bó thì không giải quyết được”
 Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời, Bộ trưởng thừa nhận việc tỉ giá cao, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua. Việc một số thị trường lớn EU, Hoa Kỳ tăng cường chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất ở mức cao từ năm 2023 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặt khác, chi phí logistics tăng cao do xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị cũng gây bất lợi cho xuất khẩu nói chung của thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Thực tế, tỉ giá USD ở mức cao tuy ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu, mà Việt Nam xuất khẩu chủ đạo nên phần nào đó Việt Nam có lợi nhờ tỉ giá tăng. Song chúng ta mong xuất khẩu bền vững đem lại giá trị gia tăng cao chứ không phải trông chờ vào tỉ giá”, ông Diên nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiếp cận thị trường, thông qua đẩy mạnh đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp cực đàm phán kí kết và khai mở thêm các thị trường mới.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, điều kiện cho vay thông thoáng hơn. “Chứ chủ trương thì có, điều kiện bó thì cũng không giải quyết được”, ông Diên nói.

Kinh tế vĩ mô - “Chủ trương có, điều kiện bó thì không giải quyết được” (Hình 2).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) chất vấn: Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế có động lực quá cao, nếu không có những giải pháp, chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, cụ thể như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài.

“Từ góc độ thương mại, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào? Chiến lược phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới sẽ ra sao? Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa?”, ông Nghĩa hỏi.

Trả lời, Tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Việt Nam, việc đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do là bước đi cần thiết, bởi có như vậy mới có vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, nếu kéo dài chủ trương thu hút vốn và mở rộng thị trường xuất khẩu, bỏ thuế nguy cơ sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, một mặt cần nâng cao năng lực hội nhập của nền kinh tế đất nước, cụ thể là nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác cũng phải mở cửa thị trường thông qua thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, ký kết mới, nâng cấp FDI mới.

Về tiêu chí chọn đàm phán các hiệp định mới, Bộ trưởng cho biết có 4 tiêu chí: dựa vào quy mô tiềm năng của thị trường, ưu tiên các đối tác có tiềm năng tăng trưởng cao, Việt Nam có lợi thế; ưu tiên những nước có độ mở lớn, giảm thuế quan, giảm hàng rào phi thuế quan; khả năng hợp tác hỗ trợ phát triển, hợp tác nghiên cứu phát triển; dựa vào tầm quan trọng chiến lược phát triển của đối tác trong khu vực về thế giới.

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tỉ trọng thấp

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu vấn đề: Chính phủ ban hành Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu chương trình và giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65 % nhu cầu sản xuất nội địa?

Kinh tế vĩ mô - “Chủ trương có, điều kiện bó thì không giải quyết được” (Hình 3).
Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi triển khai thực hiện Quyết định 68 về hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương tập trung vào các lĩnh vực như linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị, công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày và công nghệ cao.

Sau 6 năm thực hiện với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, thì linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% ( tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; còn ngành dệt may, da giày là 40-45%.

Một số ngành thấp như điện tử viễn thông, tin học, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 15%, công nghệ cao sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 10%.

Ông Diên cho rằng, kết quả thực hiện Quyết định 68 cũng giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc nguyên liệu của nước ngoài, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp nói chung, cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Về nguyên nhân sản phẩm công nghiệp thấp hơn mục tiêu, ông Diên nói rằng do nguồn lực của Nhà nước đầu tư còn hạn chế, khó tiếp cận; chính thu hút FDI chưa khuyến khích và ràng buộc liên kết của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước nên dẫn đến tình trạng này, vốn lớn.

“Ngành công nghiệp cơ khí thu hút vốn khó bởi thị trường hẹp, Việt Nam là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với các nước phát triển khó. Việc hợp tác với các cấp, ngành, cơ quan đơn vị và cả doanh nghiệp là chưa thật tốt. Chính sách là có nhưng chúng ta chưa thể tiếp cận được”, ông Diên nói.

Ông Diên cho rằng, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, phối hợp chặt chẽ Trung ương, địa phương và doanh nghiệp. Bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ tới 2025, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Nguyễn Thu Huyền/NĐT