Các dự án này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.
14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách gồm 10 dự án đường bộ và 4 dự án đường sắt.
Trong tháng 9 sẽ khởi công 3 dự án đường bộ gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp đi xuyên 4 tỉnh miền Tây gồm Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đang được Bộ GTVT giao Ban QLDA 7 triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo, tăng cường kết cấu mặt đường toàn bộ 112 km bằng bê tông nhựa nóng, đầu tư thêm một đơn nguyên cầu Cái Nhúc đoạn qua nội đô TP. Cà Mau… thay cho mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa đang xuống cấp nghiêm trọng.
Một dự án giao thông quan trọng cấp bách khác tại miền Tây cũng do Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư là công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn dài 52 km, tổng mức đầu tư 1.202 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 9 sẽ đấu thầu xây lắp để khởi công dự án trong tháng 10.
Tại miền núi phía Bắc, dự án cải tạo tuyến đường nối Quốc lộ 4C và 4D cũng đang được Ban QLDA 6 gấp rút triển khai sau gần 10 năm bị đình hoãn.
Ban QLDA 6 cho biết, trước đây, dự án được phê duyệt có chiều dài 98 km và đã thi công hoàn thành 49 km, còn khoảng 30 km thi công dang dở và 20 km chưa đầu tư do bị đình hoãn. Vừa qua, dự án đã được Quốc hội chấp thuận thông qua đưa vào danh mục 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách và được bố trí 430 tỷ đồng để triển khai tiếp 30 km thi công dang dở trước đây. Dự kiến, dự án sẽ khởi công, triển khai thi công trở lại từ tháng 9 tới.
Ngoài ra, chậm nhất tháng 9 phê duyệt 4 dự án đường sắt. Bộ GTVT giao cho Ban QLDA đường sắt đảm nhiệm vai trò đại diện chủ đầu tư 3 dự án gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh và dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn.
Theo Ban QLDA Đường sắt, cả 3 dự án đều đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 9 hoặc 10 tới. Sau khi dự án được phê duyệt đầu tư, Ban QLDA sẽ thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, một số gói thầu đầu tiên của dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM sẽ khởi công vào cuối năm 2019; 2 dự án còn lại sẽ khởi công vào quý I/2020.
Đối với 8 dự án đường bộ đã được phê duyệt dự án đầu tư, hiện đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự kiến nhiều gói thầu của 8 dự án sẽ khởi công từ nay đến cuối năm 2019.
Liên quan đến tiến độ của các dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA chậm nhất trong năm 2020 phải hoàn thành toàn bộ 10 dự án đường bộ, còn 4 dự án đường sắt hoàn thành trước 30/6/2021.
10 dự án đường bộ: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh-Long Toàn; dự án Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương;
Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự; dự án đường nối Quốc lộ 4C và 4D (Km238-Km414); dự án Quốc lộ 3B (Km0-Km 66+600); dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp;
Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24; dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày.
4 dự án đường sắt: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh; dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM.
Theo Ngọc Bích/Thương Gia