Theo các chuyên gia kinh tế, dù được giảm thuế thu nhập DN nhằm hỗ trợ sản xuất song các doanh nghiệp vẫn lỗ bởi khoản thu không liên quan như thuế công đoàn.
Một chính sách vĩ mô tốt sẽ dẫn đến tài khóa quốc gia vững mạnh, mức tăng trưởng tiền tệ thấp và lạm phát, tỉ giá, chi phí lao động đều được ổn định khiến tăng trưởng cao về các chỉ tiêu.
Tại diễn đàn “Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam – Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid-19” sáng 24/11, các chuyên gia lần lượt chỉ ra từng điểm mạnh và điểm yếu trong chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ thời gian qua.
Theo đó, về mặt tích cực, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam được kiềm chế ở mức một con số; cán cân thương mại liên tục thặng dư từ năm 2016; đầu tư nước ngoài ổn định và dự trữ ngoại tệ tăng 10 lần trong giai đoạn 2010-2021.
Tuy nhiên, quốc gia vẫn còn gánh nặng nợ công rất lớn, thậm chí có thể gây bất ổn cho nền kinh tế trong thập niên tới. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), từ năm 2010-2021, nợ công nước ta tăng 3,2 lần (từ 1.144 lên 3.655 nghìn tỷ đồng), tốc độ tăng 11,3%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhìn vào bức tranh kinh tế của Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cứ 10 năm lại giảm 1%. Thậm chí, ông Cung còn dự đoán ở 10 năm tới, tối đa tốc độ tăng trưởng Việt Nam chỉ còn 5%.
Theo đánh giá của ông Cung, thời điểm đại dịch, Nhà nước đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phát triển. Tuy nhiên, Các
“Dù thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, các doanh nghiệp tư nhân vẫn không được hưởng ưu đãi đó mà còn chịu thêm sự tăng cao của những khoản thu khác. Điều này dường như đã triệt tiêu động lực kinh doanh, suy giảm nguồn lực đầu tư phát triển”, ông Cung nói.
Đồng tình quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Kinh tế trưởng của VESS cho rằng, gánh nặng về thuế hiện nay của Việt Nam còn lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp, những khoản liên quan đến người lao động rất nhiều.
Điều này khiến doanh nghiệp thường có khuynh hướng không dám thuê lao động chính thức mà sử dụng lao động phi chính thức nhằm tránh đóng góp phí công đoàn, bảo hiểm,…
Về việc lựa chọn chính sách tài khoá thời kì hậu Covid-19, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia về Tài chính và Ngân sách cho biết, dự toán thu ngân sách Nhà nước đã hoàn thành trong 10 tháng đầu năm 2022, do đó đến cuối năm 2022 có thể vượt dự toán đến 14%.
Ông Ánh cho hay, nước ta đang thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt. Thêm vào đó, theo những số liệu hàng quý được công bố, việc thu ngân sách Nhà nước liên tục thặng dư, còn chi ngân sách Nhà nước lại thấp.
Nghiên cứu của VESS cũng chỉ ra rằng, trong 10 tháng đầu năm 2022, tốc độ giải ngân đầu tư công của Việt Nam ở mức 60%, nhưng đến cuối năm vẫn có khả năng đạt được 100%.
Từ những dữ liệu trên, TS Vũ Đình Ánh cho rằng chính sách tài khoá Việt Nam “rất khó đánh giá vì phải luôn chạy theo dữ kiện và không cụ thể về các khoản thu chi ngân sách Nhà nước”.
Phạm Hồng Nhung
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ganh-nang-thue-tai-viet-nam-dang-qua-lon-a582227.html