Chỉ còn một tuần nữa là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai được cả thế giới chú ý.
Việt Nam đã được nhắc tới nhiều lần bởi truyền thông cũng như các nhà phân tích và chuyên gia nước ngoài không những vì đây sẽ là địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp mà còn vì vị thế và vai trò của Việt Nam trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ, có cuộc trao đổi với Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn Tư vấn Albright Stonebridge của Mỹ.
Cuộc phỏng vấn chuyên gia Anthony Nelson
PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Việt Nam?
Anthony Nelson: Tại thời điểm này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tận dụng thời gian đàm phán nhằm đạt được một số kết quả sau thượng đỉnh. Đại diện đặc biệt, Đại sứ Stephen Biegun đã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp các quan chức Triều Tiên và thảo luận với các bên liên quan để cuộc gặp được hiệu quả nhất có thể.
Nhiều người đã chỉ trích rằng ở cuộc gặp trước Tổng thống Trump đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đã trao cho Triều Tiên nhiều sự quan tâm và tính hợp pháp tuy nhiên không đạt được kết quả nào đáng kể. Do đó mà, phía Mỹ đang cố gắng làm thế nào để cuộc gặp lần này có được những kết quả cụ thể.
PV: Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc gặp thưa ông?
Anthony Nelson: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất mà chính quyền tổng thống Trump đang tìm cách giải quyết trước cuộc gặp này đó là khiến các đồng minh của mình yên tâm.
Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, có nhiều lo ngại về một thỏa thuận hợp thức hóa việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump có thể sẽ muốn tạo tiếng vang mặc dù cuộc gặp này sẽ không làm thay đổi nhiều tới kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Phía Mỹ cần làm thế nào đó để các đồng minh chủ chốt của mình không cảm thấy bị bỏ rơi.
PV: Vậy vai trò của Việt Nam trong việc được chọn là địa điểm cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai là gì thưa ông?
Anthony Nelson: Bản thân tôi cho rằng Việt Nam không đóng một vai trò cụ thể trong cuộc gặp này nhưng sự kiện này là điều ghi nhận vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ mạnh mẽ với nhiều cường quốc và là một trong những quốc gia vẫn còn có thể nói chuyện với Triều Tiên.
Triều Tiên đặc biệt muốn ASEAN tham gia tại cuộc gặp này giống như Singapore ở cuộc gặp đầu tiên. Triều Tiên duy trì quan hệ tốt với ASEAN trong khi ASEAN tìm cách tăng cường vai trò của mình trong khu vực và Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của ASEAN. Cuộc gặp cũng là sự ghi nhận của Mỹ đối với Việt Nam như một đối tác trong các vấn đề an ninh.
PV: Kết quả cuộc gặp lần này có thể có những khả năng nào thưa ông?
Anthony Nelson: Cũng có nhiều dự đoán về khả năng kết quả cuộc gặp và khả năng lớn nhất đó là Triều Tiên đồng ý cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đây cũng là điều mà Mỹ muốn.
Cũng đã có nhiều người đề cập tới khả năng Mỹ có thể chính thức mở một phái đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng do tới nay thì Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động của mình thông qua phái đoàn của Thụy Điển. Còn một số khả năng khác đó là hai bên tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa mang tính biểu tượng có thể là việc thông báo chính thức một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng là một khả năng, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ có những nhượng bộ gì. Quốc hội Mỹ sẽ rất lo ngại về việc giảm sức ép đối với Triều Tiên mà đổi lại không đạt được một nhượng bộ đáng kể nào từ phía Bình Nhưỡng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Phạm Huân/VOV-Washington PC