Home Ấn tượng 24H “Co kéo” dự phòng nợ xấu, Techcombank lãi 2.617 tỷ đồng trong...

“Co kéo” dự phòng nợ xấu, Techcombank lãi 2.617 tỷ đồng trong quý 1

0

Trong quý 1/2019, nhờ “co kéo” giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận của Techcombank vẫn được đảm bảo ở mức 2.617 tỷ đồng, tín dụng chỉ tăng thấp ở mức 2,4% so với đầu năm nay.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2019, Techcombank (mã: TCB) có hai mảng kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư bị sụt giảm mạnh. Cụ thể, mảng ngoại hối chỉ lãi 9 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ năm trước. Còn mua bán chứng khoán đầu tư chỉ lãi 64 tỷ đồng, giảm 85,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh có lãi 85 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ.

Hoạt động dịch vụ vẫn ghi nhận lãi 569 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7%. Lãi từ hoạt động khác đạt 309 tỷ đồng, tăng 34,9%.

Thu nhập lãi thuần quý 1 vẫn tăng trưởng khá tốt, tăng 31,9% đạt 3.359 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị sụt giảm 18% và Techcombank cũng không còn khoản thu đột biến từ việc bán TechcomFinance như năm ngoái.

Trong khi đó, các khoản chi phí lại tăng rất mạnh kỳ quý đầu năm nay. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 27% lên tới 1.610 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ngân hàng tăng quỹ tăng lương và các chi phí liên quan tới tăng 31% lên 954 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhờ chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 79,7% xuống còn 167 tỷ đồng nên đã giúp Techcombank duy trì mức tăng nhẹ về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 2.617 tỷ đồng. Mức lợi nhuận quý 1 đạt được mới chỉ bằng 22% kế hoạch cả năm nay với mức dự kiến là 11.750 tỷ đồng.

Đến hết tháng 3/2019, tổng tài sản của Techcombank đạt 326.112 tỷ đồng, tăng 1,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,4% đạt 161.272 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 3,3% đạt 207.978 tỷ đồng.

Nợ xấu trong quý nay chỉ tăng nhẹ 120 tỷ đồng lên mức 2.924 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,78% tổng dư nợ.

Sau đợt chia cổ tức 200% bằng cổ phiếu cho cổ đông vào năm 2018, vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank đã tăng lên mức gần 34.955 tỷ đồng. Ngân hàng đã giữ lại toàn bộ 10.286 tỷ đồng lợi nhuận để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, các chỉ tốt đẹp hơn…

Sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn gấp 2 lần, thị giá cổ phiếu TCB trên sàn HoSE đã giảm rất mạnh 30% so với mức đỉnh khi mới lên sàn vào tháng 6/2018. Trong phiên giao dịch hôm nay 25/4, cổ phiếu TCB tiếp tục giảm xuống 24.200 đồng/CP, vốn hoá thị trường “bốc hơi” 37.646 tỷ đồng trong vòng 9 tháng qua.

Mức giảm giá liên tục của cổ phiếu TCB khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng tại ĐHCĐ thường niên giữa tháng 4 vừa qua. Theo Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, trước khi nói đến giá cổ phiếu bao nhiêu, nhà đầu tư nên nhìn vào kết quả mà ngân hàng đã làm được. Trong đó, các chỉ số tài chính đang hoàn đi theo kế hoạch công bố khi IPO với các nhà đầu tư. Nếu đạt được những con số như vậy, giá trị cổ phiếu TCB sẽ thể hiện đúng những gì ngân hàng làm được. Hiện tại, HĐQT chưa thấy lý do cần thiết phải mua vào cổ phiếu quỹ.

Huyền Đoàn