Home Ấn tượng 24H Có nên hạn chế cho cá nhân vay tiền ngân hàng mua...

Có nên hạn chế cho cá nhân vay tiền ngân hàng mua nhà?

0

Việc hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn nên được hạ 2%/năm, để sau 5 năm sẽ hạ từ 40% hiện nay xuống 30% như dự kiến; có thể hạn chế vay mua đất vì không giúp tiêu thụ, kích thích các ngành sản xuất khác phát triển.  

Tại báo cáo tổng hợp một số vướng mắc, hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực đối với doanh nghiệp bất động sản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hiệp hội này cho biết: Thị trường bất động sản nước ta hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và vốn trực tiếp từ người dân.

Có nên hạn chế cho cá nhân vay tiền ngân hàng mua nhà? (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm ổn định tỷ lệ hợp lý cho vay bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, không tăng quá nóng, nhưng cũng không giảm quá mạnh, gây “sốc” cho thị trường, Hiệp hội kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cân nhắc trong việc việc sửa những vấn đề có liên quan tới tín dụng bất động sản tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, có lộ trình thực hiện phù hợp, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định của thị trường.

Cụ thể, việc hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn nên được hạ 2%/năm, để sau 5 năm sẽ hạ từ 40% hiện nay xuống 30% như dự kiến; có thể hạn chế vay mua đất vì không giúp tiêu thụ, kích thích các ngành sản xuất khác phát triển. Còn những khoản vay mua nhà thì không yêu cầu phải đảm bảo hệ số rủi ro lớn như dự thảo, vì các phân khúc sản phẩm đều có cung cầu và quan trọng là người mua có khả năng chi trả hay không.

Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu hình thành các định chế tài chính bất động sản; hình thành Ngân hàng tiết kiệm nhà ở dành cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở, có thể gửi tiền tiết kiệm, sau một thời gian nhất định thì được vay thêm vốn từ ngân hàng để mua hoặc xây nhà ở, thay vì phải tiết kiệm đủ tiền mua, xây nhà như hiện nay.

Cũng theo Hiệp hội Bất động sản, ngoài khó khăn trong tiếp cận tín dụng thì vướng mắc trong tiếp cận đất đai; trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư… cũng đang gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Đồng thời, việc xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản mỗi địa phương mỗi khác, nơi thì sử dụng bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh, nơi thì định giá đất bằng phương pháp thặng dư, dựa trên tổng doanh thu giả định của dự án theo quy hoạch và tổng chi phí ước tính để xác định tiền sử dụng đất phải nộp.

Điển hình là sự chưa nhất quán trong quy định về lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; quy định thời điểm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư với Luật Bảo vệ môi trường; việc phân định cấp có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở giữa dự án và công trình trong dự án chưa hợp lý.

Do đó, Hiệp hội Bất động sản kiến nghị: Cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản để sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, cắt giảm tối đa, áp dụng chế độ một cửa, một cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với các thủ tục của từng loại dự án nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán