Home Doanh nhân Có những điều nào “không nên” cần cân nhắc khi làm lãnh...

Có những điều nào “không nên” cần cân nhắc khi làm lãnh đạo

0

Trở thành sếp đã là cả một quá trình phấn đấu, tuy nhiên chức vụ cao, quyền hành lớn luôn đi kèm với nghĩa vụ nhiều. Và cho dù bạn có trở thành một nhà lãnh đạo cấp cao đi chăng nữa, điều đó cũng chẳng bảo đảm được bạn sẽ không bao giờ mắc sai lầm nào.

Dưới đây là 8 điều “không nên” cần cân nhắc nhằm phát huy được tốt nhất vai trò lãnh đạo của mình nhé:

1. Không nên xen tình cảm cá nhân vào công việc

Một lãnh đạo tài giỏi là người biết phân biệt rõ ràng chuyện công việc và cảm xúc cá nhân. Tách bạch mối quan hệ riêng tư và vị thế trong công việc sẽ giúp nhà lãnh đạo sáng suốt hơn khi giải quyết công việc chung. Tuy nhiên, có rất nhiều người vì những ý kiến và đánh giá chủ quan của bản thân mà áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, dẫn đến kết quả nhiều nhân viên luôn cảm thấy mình bị đối xử bất công dù chẳng làm gì sai cả. Chính vì vậy, họ ít có động lực để làm việc và cố gắng vì công việc nhiều hơn nữa.

2. Không nên ôm đồm quá nhiều công việc

Chìa khóa lãnh đạo thành công là phải học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ và thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc thêm phần suôn sẻ. Thế nhưng, một vài nhà quản lý không tin tưởng ở nhân viên của mình nên họ ôm đồm cả những công việc mà lẽ ra phải giao cho nhân viên làm. Vấn đề này có thể gây trì trệ trong công việc, bản thân họ cũng trở nên căng thẳng và khó chịu vì không có đủ thời gian để làm hết mọi thứ. Hơn nữa, nhân viên cấp dưới cũng sẽ không học hỏi và phát triển được các kỹ năng để có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn và độc lập hơn. Là nhà lãnh đạo giỏi, bạn nên nhìn nhận được điểm mạnh và điểm hạn chế của cấp dưới để từ đó hướng dẫn, khuyến khích họ làm tốt công việc được giao.

3. Không nên phủ nhận công lao của cấp dưới

Khi làm việc, nhân viên nào cũng mong muốn công sức của họ được cấp trên công nhận và tán thưởng. Đôi khi chính điều này còn có tác dụng khích lệ tinh thần hơn cả sự tăng lương – thưởng. Nếu người lãnh đạo luôn nói xấu, phủ nhận công lao của nhân viên thì sẽ càng khiến nhân viên có cảm giác xa rời công ty, không muốn gắn bó và chỉ làm cho xong việc. Bạn nên nhớ rằng động lực làm việc luôn là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công. Hãy luôn khích lệ, động viên nhân viên cấp dưới của mình bằng những cách thức khác nhau để cho thấy sự trân trọng và cảm kích của bạn với tất thảy nỗ lực, cống hiến của họ cho công ty.

4. Không nên trốn tránh trách nhiệm

Là một nhà quản lý, lãnh đạo, bạn phải chịu trách nhiệm về mọi thứ xảy ra trong bộ phận của mình. Trách nhiệm và quyền hạn luôn đi kèm với nhau. Tuy nhiên, những người sếp tồi luôn lảng tránh việc đối diện với thực tế, với trách nhiệm. Họ luôn muốn đẩy trách nhiệm về phía nhân viên nếu có bất kì lỗi lầm hay thất bại gì xảy ra. Thừa nhận mình kém cỏi hay sai lầm luôn là điều mà các sếp yếu kém luôn tránh xa. Điều này không chỉ khiến bản thân người làm lãnh đạo không được nhân viên nể phục mà còn khiến cả công ty bị ảnh hưởng.

5. Không nên đánh giá nhân viên theo tiêu chuẩn riêng

Tất nhiên, mỗi người đều có phong cách lãnh đạo, quan điểm và tiêu chuẩn của riêng mình. Một sếp thành công và được nhân viên nể phục là người biết cân bằng những đánh giá cá nhân và tiêu chuẩn chung của công ty. Thế nhưng, sai lầm lớn nhất của người lãnh đạo chính là dùng tiêu chuẩn của mình để đánh giá nhân viên. Họ luôn coi ý kiến của mình là trên hết, đánh giá của mình là luôn luôn đúng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân viên mà còn giảm hiệu quả làm việc chung của cả phòng.

6. Không nên tỏ ra độc đoán trong suy nghĩ

Nguyên Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã từng nói: “Một trong những cách tốt nhất để thuyết phục người khác là lắng nghe họ – bằng đôi tai của bạn”. Dành thời gian lắng nghe ý kiến của các nhân viên là cách dễ dàng nhất giúp lãnh đạo thể hiện được sự quan tâm và cải thiện mối quan hệ thân thiện giữa sếp với nhân viên. Đó cũng là cách tốt nhất để phá bỏ rào cản giữa cấp trên – cấp dưới. Thế nhưng có một thực tế là càng ở vị trí cao, nhà quản trị càng khó nghe được những ý kiến phản hồi từ các nhân viên. Có nhiều vị sếp suốt ngày chỉ biết quát tháo, thúc ép, đòi hỏi nhân viên phải làm việc hết công suất mà chẳng bao giờ cho cấp dưới trình bày ý kiến, kể cả trong các cuộc họp.

7. Không nên thất hứa

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Florida – Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát với nhóm nhân viên không thay đổi công việc của mình và nhóm nhân viên đưa ra quyết định rời bỏ ông chủ hiện tại. Trong đó, họ thấy được rằng một trong những nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc chính là do ông chủ không giữ lời hứa (chiếm đến 39%). Điều đó cho thấy lời hứa của lãnh đạo dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với nhân viên. Lòng tin của các nhân viên sẽ bị suy giảm khi họ nhận ra rằng sếp không làm đúng những gì đã hứa.

8. Không nên tự trao “đặc quyền” vô lý

Là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải xây dựng hình ảnh bản thân trở thành một tấm gương tốt cho nhân viên học tập và noi theo. Bởi làm sếp không có nghĩa là bạn tự cho mình quyền đi muộn, có những đặc quyền vô lý hay chỉ việc ngồi một chỗ “chỉ tay năm ngón”. Điều này có thể hủy hoại nhuệ khí làm việc của nhân viên và biến bạn trở thành một người sếp không đáng kính trọng.

Sự khác biệt giữa một môi trường làm việc hạnh phúc và khắc nghiệt nằm ở cách ứng xử của người quản lý. Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy rằng bạn không chỉ là một vị sếp có đủ năng lực mà bạn còn là một nhà lãnh đạo thu phục được lòng người. Chúc bạn thành công.

Theo Nhân Mã/Thời báo Chứng Khoán