Ngày 15/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018”.
Hội thảo nhằm điểm lại kết quả cũng như tồn tại trong hoạt động cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) năm qua. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, 2018 là năm cải cách và thu được một số kết quả đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực hội nhập của Việt Nam.
Hoạt động cải cách diễn ra mạnh mẽ, tạo sức ép đối với hệ thống cơ quan quản lý, từ đó DN cũng được hỗ trợ, thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi hơn.
“Cũng có những quy định được bãi bỏ “cũng như không” vì không có tác dụng thật sự, như việc bỏ quy định người lãnh đạo, cán bộ DN phải có năng lực hành vi dân sự, có đăng ký kinh doanh, hoặc tồn tại điều kiện gây khó hiểu cho DN như “có đủ nguồn tài chính”, ông Lộc cho biết.
Tại Hội thảo, ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, kể lại nỗi lo lắng và sự mong chờ của cộng đồng DN trong lĩnh vực này. Lấy ví dụ về Luật An ninh mạng, ông Hưng cho hay: Hơn một tháng trước, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức hội thảo nghe ý kiến DN về nghị định hướng dẫn.
“Cách đây sáu tháng, chúng tôi bi quan. Nhưng sau hội thảo đó thì lạc quan. Các quy định khá tốt, DN tham dự hội thảo vỗ tay rào rào vì bao nhiêu lo lắng được giải tỏa. Nhưng rất tiếc là luật có hiệu lực từ ngày 1/1 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định”, ông Hưng phát biểu.
Công bằng mà nói, không phải mọi thứ đều là “gam màu tối”. Điển hình là Nghị định 15/2018 của Chính phủ bãi bỏ tới 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các công ty sữa có lẽ là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.
Chính vì vậy bà Phạm Thị Ngọc, Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng: “Từ năm 2012, khi chúng tôi kêu rất nhiều về vấn đề một cái bánh chocolate cõng 13 cái giấy phép. Một sản phẩm sữa có đến 40 chất, kiểm nghiệm mãi, có sai sót thì chờ được xử lý DN đã phá sản” và nhận định Nghị định 15 đã làm cho DN được hưởng lợi nhiều.
Cái lợi, theo bà Ngọc, là 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các sản phẩm nhập khẩu được giảm nhẹ và gần như được phá bỏ, giúp DN tránh được thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
“Không chỉ DN của tôi mà nhiều DN khác cũng đã tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian khi Nghị định 15 ra đời. Đó là còn chưa kể đến lợi nhuận kinh doanh mà nghị định này mang lại”, bà Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng hiện nay có hai thách thức rất quan trọng. Một là tất cả cải cách đều xuất phát từ sự áp đặt của Chính phủ xuống các bộ, ngành chứ chưa có bộ, ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bãi bỏ ĐKKD mà mình nắm giữ. “Vậy nếu Chính phủ không yêu cầu nữa thì sao? Động lực cải cách sẽ mất đi”.
Thách thức thứ hai là việc kiểm soát chất lượng của các quy định ĐKKD nói chung và các quy định ĐKKD mới ban hành. “Tôi đã chứng kiến nhiều ĐKKD bộ ngành này bỏ, còn bộ kia lại đưa vào”, ông Hiếu cho biết.
Theo Thành Nam/Thương gia