Home Tiêu điểm Cổ phiếu ngành điện hưởng lợi nhờ việc mở cửa kinh tế...

Cổ phiếu ngành điện hưởng lợi nhờ việc mở cửa kinh tế trở lại

0

Nhóm cổ phiếu ngành điện dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ mức tiêu thụ điện toàn quốc gia tăng cũng như việc thiếu cung than tạm thời đã đẩy giá trên thị trường phát điện cạnh tranh lên cao.

Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, nền kinh tế mở của trở lại với phương châm “sống chung an toàn với Covid-19” đã giúp hoạt động sản xuất-kinh doanh phục hồi rõ nét. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành điện được hưởng lợi nhờ mức tiêu thụ điện toàn quốc gia tăng cộng thêm việc thiếu cung than tạm thời đã đẩy giá trên thị trường phát điện cạnh tranh lên cao.

Giá phát điện cạnh tranh tăng 37%

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết trong quý I/2022, kinh tế Việt Nam phục hồi với “gam màu sáng” nhờ việc Chính phủ quyết liệt khôi phục và mở cửa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%. khu vực dịch vụ tăng 4,58%).

Trên đà tăng trưởng kinh tế đó, nhóm phân tích của SSI chỉ ra mức tiêu thu điện toàn quốc quý 1 đạt 63 tỷ kwh và tăng 7,8% so với cùng kỳ (trong bối GDP trong quý 1 tăng 5,03%) đồng thời dự báo tiêu thụ điện trong về cuối năm sẽ tiếp tục hồi phục và tăng khoảng 9,2% so với cùng kỳ.

Mặt khác, giá trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) đã tăng 37% so cùng kỳ. Tuy nhiên về trung hạn, nhóm phân tích có quan điểm thận trọng và dự báo giá CGM cả năm 2022 sẽ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ (thấp hơn so với trung bình quý 1), do hiện tượng La Nina (nước biển lạnh đi so với bình thường ) có thể quay lại trong quý 2.

Bởi, hệ thống các nhà máy thủy điện thường có chi phí và giá bán trung bình thấp hơn so với nhiệt điện. Và, sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Tuy nhiên. SSI cũng để ngỏ khả năng, nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi.

Dự báo triển vọng từ nay đến cuối năm, SSI đánh giá: “Trên bình diện quốc tế, trường hợp giá nhiên liệu (dầu khí và than nhiệt) tiếp tục đi lên, áp lực lạm phát gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Điều điền có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam, kéo theo mức tiêu thụ điện sẽ bị giảm và kịch bản xấu nhất – tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5%-6% và tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc là 7%/năm (so với kịch bản cơ sở là 6%-7% về tăng trưởng GDP và 9.2%/năm về tăng trưởng tiêu thụ điện).”

Lợi nhuận tăng trưởng trở lại

Theo SSI, các yếu tố trên đang góp phần hỗ trợ cho của các nhà máy điện tránh khỏi tăng trưởng âm trước đó, cụ thể là các mã chứng khoán NT2, POW, HND, QTP.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu NT2 đang ở mức 24.300/cổ phiếu; POW là 10.500 đồng/cổ phiếu; HND là 18.600 đồng/cổ phiếu và QTP là 18.500 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 19/4).

Cụ thể, mã NT2 (Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch) ước tính trong quý 1, sản lượng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ (khoảng 980 triệu kwh) và lợi nhuận sau thuế tăng 24% (khoảng 142 tỷ đồng). SSI kỳ vọng sang quý 2, sản lượng điện của NT2 đạt khoảng 955 triệu kwwh và lợi nhuận sau thuế đạt trên 130 tỷ đồng (gấp 5 lần quý 2/2021 là 24,5 tỷ đồng).

SSI đưa ra luận điểm đầu tư, “sau khi trả hết dư nợ, NT2 không chịu ảnh hưởng từ lãi suất cho vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá. Điều này có thể hỗ trợ cổ tức và giá mục tiêu 1 năm l khuyến nghị là 26.800 đồng/cổ phiếu.”

Với mã HND (Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng), lợi nhuận sau thuế quý 1 ghi nhận mức tích cực 258 tỷ đồng (so quý1/2021 có mức lỗ 11 tỷ đồng ). Theo SSI, kết quả này có được nhờ sản lượng phát điện và giá CGM cải thiện cộng thêm chi phí lãi vay giảm (nợ vay giảm giúp HND tránh được lãi suất tăng ngoài dự đoán trong bối cảnh áp lực lạm phá). Nhóm phân tích của SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với HND có giá mục tiêu 1 năm là 20.600 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, QTP (Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh) cũng dự kiến mức lợi nhuận trong quý 1 có sự cải thiện khá tốt. Trước đó, SSI kỳ vọng QTP sẽ chứng kiến sự hồi phục trong cả năm 2022 về sản lượng phát điện tăng 12%, doanh thu tăng 24,2% và lợi nhuận sau thuế tăng 27,6%, trên cơ sở đó giá mục tiêu 1 năm duy trì tại mức 23.300 đồng/cổ phần.

Riêng mã POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) đã công bố lợi nhuận trước thuế sơ bộ quý 1 đạt là 751 tỷ đồng (tăng 11% so cùng kỳ). Mức tăng trưởng này tốt hơn kỳ vọng của giới đầu tư trước đó với những quan ngại về sự cố tại Vũng Áng làm cản trở tăng trưởng lợi nhuận của công ty.

Trên cơ sở giá trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng, chi phí lãi vay giảm, khả năng chi phí bảo dưỡng giảm, lợi nhuận trước thuế trong quý 1 tránh được tăng trưởng âm, nhóm phân tích của SSI tính toán giá mục tiêu 1 năm của POW khoảng 17.100 đồng/cổ phiếu./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/co-phieu-nganh-dien-huong-loi-nho-viec-mo-cua-kinh-te-tro-lai/784620.vnp