Ông Đặng Phác Phương, con trai cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, dự đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 2012.
Con trai cả của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra những nhận định về chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh và tìm cách bảo vệ những di sản của cha ông cách đây 40 năm.
Đặng Phác Phương, con trai cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, mới đây đã có bài phát biểu về các chính sách của chính quyền Trung Quốc tại lễ bế mạc hội nghị của Hội Người Khuyết tật Trung Quốc (CDPF). Mặc dù không được đăng tải công khai, song báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã tiếp cận được với bài phát biểu này.
“Chúng ta phải tìm ra sự thật từ trong thực tiễn, giữ một cái đầu tỉnh táo và biết chúng ta đang ở đâu. Chúng ta không nên quá hung hăng hoặc quá xem thường bản thân chúng ta”, ông Đặng Phác Phương nói.
Trong bài phát biểu của mình, con trai cả của ông Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi Trung Quốc đi theo “một môi trường quốc tế hợp tác và các bên cùng có lợi”.
“Những bất ổn trên trường quốc tế đang tăng lên. Chúng ta nên đi theo con đường hòa bình và phát triển, đồng thời cố gắng hướng tới một môi trường quốc tế hợp tác và các bên cùng có lợi. Điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là giải quyết ổn thỏa chính các vấn đề của Trung Quốc”, ông Đặng Phác Phương nhận định.
Phát biểu của ông Đặng Phác Phương được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi gay gắt liên quan tới chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Quan điểm của ông Đặng Phác Phương được cho là có nét tương đồng với câu khẩu hiệu nổi tiếng của cha ông trước đây liên quan tới chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đó là “giấu mình chờ thời”. “Giấu mình chờ thời” được hiểu là Trung Quốc sẽ hành xử khiêm nhường và không bao giờ đi đầu trong các sự vụ quốc tế.
Ông Đặng Phác Phương, 74 tuổi, vừa tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Trung Quốc (CDPF) hôm 16/9. Bản thân ông Đặng Phác Phương cũng là một người khuyết tật. Ông phải ngồi xe lăn từ năm 1968 khi bị thương trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Cả 7 ủy viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, đều tham dự lễ khai mạc đại hội đại biểu toàn quốc của CDPF, sự kiện được tổ chức 5 năm một lần. Bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương không được đọc trước các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, mà chỉ được công bố trong lễ bế mạc.
Trong bài phát biểu của mình, ông Đặng Phác Phương đã nhắc lại đánh giá của cha ông từ năm 1992, trong đó nói rằng “việc củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc sẽ trải qua hàng chục thế hệ”. Theo ông Đặng, điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
“Mọi người thường nói rằng ngay cả Khổng Tử cũng không thể già hơn “hàng chục thế hệ” và khuyên ông (Đặng Tiểu Bình) nên cân nhắc lại cụm từ này. Ông đã suy nghĩ về chuyện đó và vẫn khẳng định rằng chặng đường đó sẽ mất “hàng chục thế hệ””, ông Đặng Phác Phương nói về người cha của mình.
“Đứa con tinh thần” của Đặng Tiểu Bình
Khác với thông lệ trước đây của CDPF, bài phát biểu năm nay của chủ tịch CDPF không được công khai đăng tải trước công chúng. Trước đó vào năm 2013, bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương đã được đăng trên trang web của CDPF chỉ 10 ngày sau hội nghị.
Trong khi hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị chính thức tương tự đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương đã vượt ra ngoài các công việc của CDPF, thậm chí đề cập sâu tới hàng loạt vấn đề chính trị, từ chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho tới “đứa con tinh thần” của ông Đặng Tiểu Bình: đó là công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. “Đứa con tinh thần” này sẽ kỷ niệm 40 năm ngày ra đời vào tháng 12 tới.
Ông Đặng Phác Phương (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng cha mẹ hồi nhỏ. (Ảnh: SCMP)
Đề cập tới công cuộc cải cách thị trường do cha ông đưa ra từ cuối thập niên 1970, ông Đặng Phác Phương cho rằng những thay đổi do công cuộc này tạo ra với xã hội Trung Quốc “là không thể đảo ngược”.
“Công cuộc cải cách và chính sách mở cửa đã mang lại những thay đổi đáng kể cho Trung Quốc, đó là sự thay đổi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Những thay đổi đối với cấu trúc xã hội, phân chia lợi ích và lối tư duy là những thay đổi cơ bản, mang tích lịch sử và không thể đảo ngược”, ông Đặng Phác Phương nhận định.
Theo con trai cả nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc nên tiếp tục đi theo con đường này trong một thế kỷ tới và không lùi bước.
“Chúng ta nên tiếp tục con đường này, kiên trì chịu đựng, không lùi bước và vững vàng trong 100 năm”, ông Đặng Phác Phương nhấn mạnh.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Đặng Phác Phương là nhân vật nổi tiếng tại Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng lớn trong số các con cháu của thế hệ lão thành cách mạng đầu tiên của Trung Quốc. Là hậu duệ của thế hệ cách mạng thời kỳ đầu, ông Đặng Phác Phương có mối liên hệ chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương được đưa ra khi Trung Quốc đang đếm ngược tới ngày kỷ niệm công cuộc cải cách gắn liền với tên tuổi của ông Đặng Tiểu Bình, trong đó tập trung vào các vấn đề tự do chính trị, kinh tế thị trường và hòa hợp xã hội.
Ngày càng có nhiều tranh cãi về cam kết của Trung Quốc với công cuộc cải cách này. Trong bài phát biểu cách đây 3 tuần, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng nói Trung Quốc chỉ nói suông về cải cách và mở cửa.
Theo Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang tại Đại học Chicago, nhiều khả năng từ giữa tháng 9, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi lập trường nội bộ và đã “học lại” các bài học của ông Đặng Tiểu Bình. Trong khi đó ông Christopher Johnson, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho rằng bài phát biểu của ông Đặng Phác Phương dường như là nỗ lực để bảo tồn những di sản của cha ông trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách “diễn giải lại” những bài học từ cách đây 40 năm.
Theo Thành Đạt/Vietnamfinance