Đã qua rồi cái thời người người, nhà nhà đổ xô đi mua chứng khoán, trầy trật, chen lấn và phải “chăm sóc” cho nhiều nhân viên môi giới để được mua cổ phiếu của các công ty niêm yết tốt. Hiện tại, trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, môi giới chứng khoán không thể “há miệng chờ sung”, thay vào đó cần một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, để “cạnh tranh” với… robot.
“Tham chiến” bằng “vũ khí” công nghệ cao
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện tại cả nước có khoảng 80 công ty chứng khoán với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đang hoạt động. Tính đến hết tháng 11/2018, Việt Nam có hơn 2 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Song hành cùng lượng nhà đầu tư này là lực lượng môi giới chứng khoán lên đến hàng chục nghìn người.
Ngày trước, khi tư vấn cho khách hàng, môi giới nhấc điện thoại lên gọi cho họ, trong trường hợp khách hàng bận hay đang đi ngoài đường thì công việc sẽ trở nên khó khăn và không thể cập nhật kịp thời. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông, nhiều ứng dụng miễn phí với cước viễn thông rẻ kết nối Internet một cách dễ dàng đã giúp việc tư vấn, cập nhật thông tin trở nên tiện lợi, với chi phí thấp hơn nhiều. Công nghệ phát triển, nhiều công ty chứng khoán cũng xây dựng các công cụ để hỗ trợ môi giới chăm sóc khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới.
Hầu hết công ty chứng khoán lớn đều có phần mềm gửi email tới nhiều khách hàng cùng một thời điểm góp phần giúp môi giới giảm thiểu thời gian và nâng cao tính hiệu quả trong công việc.Nếu như cách đây hơn 10 năm, vào năm 2007, số lượng nhà đầu tư biết phân tích kỹ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết nhà đầu tư chưa biết đến giao dịch online và chỉ trao đổi thông tin qua một công cụ giờ đã bị quên lãng là Yahoo messenger thì giờ đây, hầu như công ty chứng khoán nào cũng có hệ thống giao dịch trực tuyến với những tiện ích “đến tận răng” phục vụ nhu cầu nhà đầu tư.
Thực tế, những thay đổi đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng tác động mạnh, tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức giao dịch và trao đổi thông tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Công cụ này cho phép môi giới tạo nhiều mẫu bản tin để gửi cho nhóm khách hàng phù hợp; môi giới có thể tạo bản tin khuyến nghị mua bán ngắn theo phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản ngắn gọn hay tạo một bản tin đầy đủ bao gồm tình hình thị trường thế giới, tổng quan thị trường trong nước kèm theo các thông tin vĩ mô… Ngoài ra, môi giới cũng có thể tạo báo cáo phân tích ngành, phân tích từng công ty để gửi cho nhóm khách hàng có sự quan tâm sâu hơn về ngành và công ty.
Không những vậy, công cụ cho phép môi giới thiết kế email chuyên nghiệp với đầy đủ các phần văn bản, hình ảnh và mẫu email phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Phần thống kê giúp cho môi giới biết được email có bao nhiêu người đọc, tỷ lệ người đọc là bao nhiêu phần trăm đồng thời thống kê lượng khách hàng chọn vào link liên kết trong bài viết. Dựa vào những thống kê này, môi giới sẽ đánh giá được sự quan tâm, định vị được hiệu quả của công việc cũng như khách hàng tiềm năng, qua đó nâng cao hiệu quả tư vấn và tìm kiếm khách hàng. Công cụ cũng giúp môi giới dễ dàng tạo danh sách các khách hàng cũ, khách hàng tiềm năng và tạo nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Thực tế, những thay đổi đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng tác động mạnh, tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức giao dịch và trao đổi thông tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ông Trần Nhật Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcom Securities – TCBS), người có nhiều tâm tư và ý tưởng ứng dụng nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động tại TCBS chia sẻ, trên thế giới, khái niệm Wealth Management (quản lý gia sản) không chỉ dành cho giới nhà giàu, có tài sản hàng triệu USD trở lên mà còn phục vụ các gia đình có thu nhập tốt, theo đuổi hoạt động đầu tư.
Tại Việt Nam, dù các hộ gia đình có thu nhập trung bình là chủ yếu, nhưng mức thu nhập hiện tại đang gia tăng mạnh do đó, nhu cầu tích lũy tài sản để đầu tư ngày càng phát triển. Ước tính, có khoảng 8 triệu khách hàng đang gửi tiền trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. “Đây chính là lý do TCBS là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa ra mô hình Robo Advisor (Robo tư vấn) với công nghệ tự động hoá quá trình lập kế hoạch tài chính dài hạn cho gia đình, tự động phân bổ danh mục đầu tư”, ông Nam cho hay.
Ảnh minh hoạ |
Với Robo Advisor, nhà đầu tư có thể xây dựng một kế hoạch tài chính trọn đời bao gồm kế hoạch nghỉ hưu, kế hoạch mua nhà, mua xe, cho con đi du học… Đây là đặc điểm khác biệt mà TCBS mang đến, bởi các phần mềm tương tự trên thế giới vẫn phải quản lý các mục tiêu này một cách riêng rẽ, chưa tích hợp được thành một mục tiêu trọn đời. Theo ông Nam, thực tế tại các nước phát triển đã chứng minh rằng, số lượng các nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm dần trên thị trường chứng khoán để nhường chỗ cho các quỹ, nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Cùng với đó, công nghệ sẽ tiếp tục phát triển để thay thế mô hình quản lý quỹ truyền thống và mô hình quản lý mới trong đó Robo-Advisor cộng với mạng xã hội đầu tư (Social Invest) sẽ là 2 trụ cột của thị trường chứng khoán cũng như hoạt động đầu tư trong tương lai.
Môi giới chứng khoán có bị thay thế bởi robot?
Cách mạng công nghệ 4.0 được nhắc đến với cốt lõi là trí tuệ nhân tạo (AI) – Vạn vật kết nối (Internet of Things, IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Với AI, máy tính có thể mô phỏng lại cách thức hoạt động của não người từ đó có thể học tập, suy nghĩ và tư duy như con người. Do lượng dữ liệu và thông tin vô cùng lớn, máy tính không thể chia sẻ “kết quả tư duy” theo cách thức “thô sơ” như thầy giảng cho trò, nó sẽ chia sẻ trên mạng internet. Vì thế, cuộc cách mạng này gắn liền với sự chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn lực.
Một khái niệm mới ra đời là sharing economy – nền kinh tế chia sẻ. Một ví dụ tiêu biểu cho sharing economy trong ngành tài chính chính là bitcoin. Đồng tiền này ra đời dựa trên cơ sở mọi người dùng máy tính của mình chia sẻ thao tác xử lý máy tính để tạo ra một đồng tiền mới. Nói về cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành chứng khoán, theo ông Trần Nhật Nam, có thể nhìn theo 2 xu hướng lớn là AI (trí tuệ nhân tạo) và social invest (xã hội hóa đầu tư).
AI biểu hiện đơn giản nhất ở dạng robot đầu tư (robot trading). Máy tính vốn được phát minh ra để xử lý các dữ liệu lớn. Ngày nay các chuyên gia công nghệ còn có thể “dạy” cho máy tính học một số phương pháp đầu tư chứng khoán khi bản chất các phương pháp đều được tạo thành từ những công thức toán học và quy tắc logic. Các robot được tạo ra có khả năng lọc dữ liệu và tín hiệu giao dịch của hàng nghìn mã chứng khoán và chỉ ra cho nhà đầu tư biết cần mua bán cổ phiếu nào, vào thời điểm nào, với xác suất thành công bao nhiêu và cũng có thể tự giao dịch thay cho khách hàng.
Một biểu hiện khác của AI là robot tư vấn (advisor) khi nó sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế vai trò của những người tư vấn tài chính truyền thống. AI có thể lên kế hoạch phân bổ tài sản vào các sản phẩm đầu tư phù hợp cho khách hàng dựa trên kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Khi đó, máy tính đã thay thế wealth advisor – nghề tư vấn cá nhân truyền thống. Ở Việt Nam, loại hình nổi nhất hiện nay là robot đầu tư được tạo ra bởi những người am hiểu về chứng khoán và lập trình. Còn robot advisor được sử dụng đầu tiên tại TCBS. Những robot này đang chứng tỏ khả năng tư vấn đầu tư cho khách hàng không kém gì các môi giới kinh nghiệm.
Ảnh minh hoạ |
Xu hướng thứ 2 của Cách mạng công nghệ 4.0 trong chứng khoán là xã hội hóa đầu tư (Social invest hay social trading). Nền tảng giống như một mạng xã hội mà ở đó, người dùng công khai chia sẻ danh mục đầu tư cũng như các lần đặt lệnh mua/bán cổ phiếu. Những người đã chứng minh được hiệu quả đầu tư của mình trở thành leader được nhiều người “theo dõi” (follower) và copy danh mục/các lần đặt lệnh. Leader được hưởng phí giao dịch từ những người follow đó.
Trên thế giới, nhiều công ty đã tạo ra ứng dụng cho nhà đầu tư với 2 mô hình social invest phổ biến.
Điều đặc biệt của những mô hình social invest là các thông tin đều minh bạch và được xác nhận là các giao dịch thực sự bởi chúng được thực hiện trên các ứng dụng Covestor, Motif, eToro, ZuluTrade… nói trên. Các mô hình này đã làm thay đổi cách thức hoạt động của môi giới truyền thống. Họ không cần tìm kiếm khách hàng và gọi điện chăm sóc từng khách hàng mà chỉ cần lên mạng xã hội tự giao dịch, tự chia sẻ thông tin với những người dùng khác. Chứng minh được năng lực, họ tự khắc có khách hàng và thu nhập.
Tóm lại, phát triển công nghệ, thị trường chứng khoán Việt Nam bước đầu đã xuất hiện những hình thái tiên tiến ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, bà Hồ Huyền – Trưởng phòng tư vấn của VNDIRECT nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ chưa thể hiện tính chất cách mạng công nghiệp 4.0 đúng nghĩa khi các điều kiện về pháp lý, hệ thống giao dịch vẫn đi sau thế giới vài chục năm. Từ phía góc nhìn của nhà đầu tư, phải thừa nhận rằng robot hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc mà thực hiện đầu tư đặc biệt kỷ luật theo thuật toán viết sẵn. Nó không tạo ra xung đột lợi ích như môi giới truyền thống và khách hàng. Robot có thể thay thế phần lớn công việc của các môi giới truyền thống, do đó nhà đầu tư tất nhiên sẽ hưởng ứng tích cực.
Theo ông Trần Nhật Nam, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đến với ngành chứng khoán Việt Nam, các môi giới có thể bị thay thế song họ tạo ra nhiều giá trị hơn có thể kết hợp cùng máy móc để. Họ cũng có thể hoạt động ở chế độ lai: vừa là môi giới vừa là một nhà đầu tư khi thích hợp. Nói tóm lại, nó thay đổi cách thức làm việc của môi giới khiến họ hoạt động độc lập hơn. Mặt khác, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cho các môi giới hoạt động tốt hơn trong nghề của mình. Với hàng trăm nghìn người follow trên mạng xã hội, môi giới sẽ được hưởng phí giao dịch từ những người đó. Chỉ cần tập trung vào việc đầu tư hiệu quả, còn lại mọi thứ máy móc sẽ quản lý.
Theo Nguyễn Thanh/Thời báo Chứng khoán