Home Kinh tế vĩ mô Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra, quản lý hoạt động thu mua,...

Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra, quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng

0

Tỉnh Đắk Lắk vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu liên quan việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, chủ động công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng.

Phát hiện nhiều vi phạm tại một cơ sở kinh doanh sầu riêng

Ngày 30/7, Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện nhiều vi phạm.

Trong đó, Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (địa chỉ tại Km 23, Quốc lộ 26, thôn Tân Mỹ, huyện Krông Pắk), để làm việc về nội dung chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động sơ chế, kinh doanh sầu riêng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm từ quả sầu riêng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra, quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng- Ảnh 1.
Đoàn kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở cung cấp bản chụp các thủ tục giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sơ chế, kinh doanh sầu riêng, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk) cấp. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Minh Tâm, chức vụ Tổng Giám đốc.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 104 do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Đắk Lắk cấp ngày 28/9/2021 (có hiệu lực đến ngày 28/9/2024); Giấy chứng nhận ISO 22000:2018, có bản chụp kèm theo.

Riêng hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi nguồn nguyên liệu; hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi phân phối sản phẩm, đại diện cơ sở đề nghị bổ sung sau…

Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra, quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng- Ảnh 2.
Đoàn kiểm tra kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.

Làm việc với đoàn kiểm tra, người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Minh Tâm không có mặt tại cơ sở nên ủy quyền cho ông Phạm Văn Lượng – Giám đốc – chịu trách nhiệm làm việc và ký các giấy tờ, biên bản làm việc với cơ quan có thẩm quyền.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, cơ sở được kiểm tra có quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Cơ sở được kiểm tra có khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh.

Bên cạnh đó, cơ sở được kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đoàn kiểm tra có lấy 1 mẫu sản phẩm trái sầu riêng tại cơ sở để gửi đi phân tích chất lượng. Sau khi có kết quả phân tích kiểm nghiệm mẫu, Đoàn kiểm tra mời cơ sở về làm việc và xuất trình các hồ sơ pháp lý, hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi nguồn nguyên liệu (thể hiện được các thông tin cơ bản như: ngày mua, tên nguyên liệu, người bán, trọng lượng, tình trạng nguyên liệu) và hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi phân phối sản phẩm (thể hiện được các thông tin cơ bản như: ngày, tên sản phẩm, người mua, trọng lượng).

Qua làm việc, Đoàn kiểm tra yêu cầu đại diện cơ sở cung cấp toàn bộ các hồ sơ giấy tờ có liên quan theo quy định.

Kết thúc buổi làm việc, cơ sở kiểm tra đã thống nhất với nội dung ghi trong biên bản kiểm tra và cam kết thực hiện theo đề nghị của Đoàn kiểm tra.

Tăng cường hoạt động kiểm tra 

Để chủ động công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thu mua và xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản số 6748/UBND-NNMT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan triển khai một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kịp thời phát hiện, phối hợp xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “gian lận thương mại”, “nguồn gốc xuất xứ” và “chỉ dẫn địa lý”; các đơn vị sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu không đảm bảo quy định, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng nếu bị phía đối tác phát hiện.

Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra, quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng- Ảnh 3.
Nhiều diện tích sầu riêng tại Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch. 

Đồng thời, công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt; hồ sơ đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt một cách minh bạch để người dân và doanh nghiệp biết, giám sát, theo dõi tiến độ. Mặt khác, sớm hình thành quy chuẩn về quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sầu riêng để triển khai thực hiện đồng bộ và khoa học.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu liên quan việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, tham mưu khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình cấp mã. Nghiên cứu, đề xuất hình thành “chuỗi liên kết” theo hướng “tổ chức chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý, kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm”, hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, đảm bảo khép kín, rút ngắn thời gian trong hoạt động xuất khẩu.

Sớm đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu; vùng sản xuất; cơ sở sản xuất; bãi thải, đảm bảo quy trình khép kín, giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh của sầu riêng địa phương, bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tiếp nhận, thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng, mã đóng gói theo đúng quy trình, quy định. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Trong đó, cần quy định rõ thời gian các cơ quan chức năng xử lý khi nhận được hồ sơ đăng ký của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, các nội dung hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nắm tình hình liên quan đến hoạt động cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024 của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp, quản lý, sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, thu mua xuất khẩu sầu riêng. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh kịp thời phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép, không đảm bảo điều kiện cư trú và hoạt động tại địa phương…

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có diện tích sầu riêng lớn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và thu mua, xuất khẩu sầu riêng để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nắm vững các quy định và có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, không để các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, gây thiệt hại về kinh tế, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, rà soát, kiểm tra các kho, xưởng thu mua sầu riêng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý kho, xưởng xây dựng trái phép, không tuân thủ quy định của pháp luật…

Khánh Ngọc 

Link nguồn